Khi vợ… cầm dao
Không tiếp tục sống với nhau được thì chia tay, đừng để mâu thuẫn đến mức xô xát, gây thương tích cho nhau như vậy.
Gia đình em gái tôi đang lục đục. Em nhờ tôi sang ở chung mấy ngày, lý do em đang bệnh, không có ai chăm sóc hai đứa nhỏ (hai tuổi và năm tuổi).
Thế nhưng, vợ chồng em và tôi đều biết lý do chính: vợ chồng em không nói chuyện với nhau, bếp núc cơm nước trong nhà không ai lo lắng, vợ thì đóng cửa phòng nằm suốt ngày, chồng thì ôm điện thoại, máy tính.
Tôi vốn không lập gia đình, là người dễ tính, giỏi chịu đựng nên thỉnh thoảng anh chị em trong nhà cũng hay nhờ chăm cháu.
Lần này, tôi sang nhà em gái, biết là có chuyện trầm trọng rồi nhưng tôi cũng cố gắng xoa dịu tình hình, giữ hòa khí, nấu cơm, dọn dẹp, tắm rửa cho hai đứa cháu.
Chắc cũng vì nể mặt chị vợ nên đến bữa ăn, em rể tôi cũng ngồi vào mâm cơm, tỏ ra chăm con. Riêng em gái tôi vẫn đóng cửa phòng. Xác định không can thiệp vào chuyện gia đình em, chỉ giúp chăm cháu, nấu ăn dọn dẹp vài ngày nên tôi cũng để tùy em.
Được hai bữa, tôi phải về nhà lo chút việc. Tối hôm đó khi tôi trở lại nhà em gái, một cuộc xô xát đang xảy ra. Em rể tôi đang trợn mắt quát tháo, to tiếng, hai đứa nhỏ bị nhốt vào phòng trong, khóc lóc. Điều kinh khủng nhất là tôi thấy em gái mình đang cầm một con dao làm bếp, tóc tai rũ rượi có vẻ rất mất kiểm soát.
Nghe vài câu, em tôi nói “tôi chết cho anh coi”, còn chồng em thì tỏ vẻ bất cần, thách thức. Tôi xông vào ôm lấy em, gỡ con dao ra cất đi rồi nói mấy câu với em rể, xong đưa em vô phòng.
Em rể tôi đi luôn từ hôm đó, đã hơn một tuần không về. Em tôi nói rằng em rể “qua nhà con đó ở luôn rồi”. Tôi lo lắng đến mức suốt cả tuần nay không rời nhà em một bước, sợ lỡ có chuyện gì. Xem ra mâu thuẫn giữa vợ chồng em tôi đã quá trầm trọng, tôi nên làm gì?
Đây là câu chuyện chị Ái Vy (TP.HCM) gửi tới Báo Phụ nữ TP.HCM mong muốn tìm được giải pháp tháo gỡ hoàn cảnh của em gái. Nhiều độc giả đưa ra lời khuyên chí tình chí nghĩa với chị Vy.
Chị Hạnh Dung bày tỏ:
Chị đang đứng giữa mối mâu thuẫn kịch phát của gia đình em gái, tới mức cầm dao lên là trầm trọng lắm rồi. Phụ nữ thường hay bị cảm xúc chi phối, thêm vào đó là sự thách thức; nếu không có sự can thiệp của chị, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Điều đó cho thấy, cho dù mình không muốn can thiệp vào chuyện gia đình em nhưng có những chuyện không hiểu rõ nội tình thì không giúp được trọn vẹn, phải không chị?
Về lâu dài, chị không thể bám trụ ở nhà em gái 24/7. Mặt khác, khi mâu thuẫn không được giải quyết, nó âm ỉ tích tụ và chực chờ bùng lên vào bất kỳ lúc nào. Gia đình em gái chị coi như sống trên một quả bom, làm sao mà yên ổn.
Mình phải tìm cách rút ngòi nổ của quả bom này thôi. Lúc này, chị nên tranh thủ tâm sự với em gái, khơi gợi để cô ấy nói ra những uất ức trong lòng.
Câu chuyện dù chưa giải quyết được ngay thì một khi đã nói ra sẽ bớt thiêu đốt tâm can, em gái chị sẽ cảm thấy nhẹ bớt.
Mặt khác, chị hãy động viên em gái ra khỏi phòng, cùng làm việc nhà, chăm sóc các con. Đừng để cô ấy tự nhốt mình trong phòng, dễ nghĩ quẩn. Hãy làm cho cô ấy hiểu cô ấy còn hai đứa con, còn nhà cửa, còn chị, chứ không chỉ có duy nhất một ông chồng.
Chị liên hệ với em rể và cũng tìm cách nói chuyện với cậu ấy. Có những hiểu lầm, những mâu thuẫn mà đôi khi chỉ hai người trong cuộc với nhau thì càng gỡ càng rối, càng cứa vào da thịt nhau càng đau đớn.
Trong trường hợp đó, có một người thứ ba công tâm, biết lắng nghe, họ sẽ cởi mở được tâm tư, có thể nói ra được những gì mình nghĩ.
Chị xem cả hai bên muốn gì, liệu có thể hàn gắn lại với nhau không. Biết đâu nhờ chị họ sẽ có thể ngồi lại nói chuyện với nhau. Còn không, trong trường hợp xấu nhất, chị cũng phân tích cho cả hai thấy vẫn còn có giải pháp.
Không tiếp tục sống với nhau được thì chia tay, đừng để mâu thuẫn đến mức xô xát, gây thương tích cho nhau như vậy.
Vợ chồng em gái chị đều là trí thức, chắc sẽ lắng nghe và chọn cách giải quyết phù hợp cho cuộc hôn nhân của mình. Hơi vất vả một chút, phải kiên nhẫn một chút, dầu vậy, rất mong chị sẽ thu xếp thành công cuộc “hòa đàm” căng thẳng này.
Ảnh minh họa |
Chị Kim Liên (quận 11, TP.HCM): Khuyên cô ấy đừng tự hành hạ bản thân!
Theo tôi, vợ chồng em chị đều là người trưởng thành, đã làm cha mẹ nên phải biết cách tự giải quyết chuyện của mình. Chị ở ngoài, đâu rõ nội tình mà lên tiếng. Họ sống với nhau nhiều năm, biết mình cần gì, muốn gì.
Bây giờ, chị cần an ủi, dỗ dành cho em chị tỉnh táo lại. Cô ấy đang quá kích động, như thế không thể giải quyết được vấn đề. Hãy nói với cô ấy rằng tự hành hạ bản thân không phải là một giải pháp hay.
Chị có thể rủ cô ấy ra ngoài, cùng làm những việc cô ấy thích… cho cô ấy khuây khỏa. Trước hết, em chị cần nghĩ đến con, đến bản thân trước, những vấn đề khác tính sau.
Chị cũng có thể rỉ rả cho cô ấy hiểu rằng trong trường hợp cuộc hôn nhân không thể cứu vãn, nhiều người chọn giải pháp ly hôn để làm lại cuộc đời và đã tìm được hạnh phúc. Đôi khi, ly hôn là sự giải thoát cho cả hai, còn giam hãm mình trong cuộc hôn nhân tồi tệ là hành hạ bản thân và người khác, thậm chí là tự sát.
Chị Vũ Thy (quận 7, TPHCM): Hãy ở bên cô ấy!
Chuyện nhà em gái chị nghe thật ảm đạm. Thật mệt mỏi khi phải sống trong một ngôi nhà nặng nề u ám, nơi một người phụ nữ chả thiết gì đến bản thân, con cái và đang bị những uất ức hành hạ khiến đầu óc không còn tỉnh táo…
Dù chị có thương em gái đến đâu cũng không thể quyết thay cho cô ấy, bởi chị không phải là người trong cuộc, không hiểu hết nội tình nhà em chị. Thế nên ở góc độ chị em, trong giai đoạn này, chị hãy ở gần và chia sẻ cùng cô ấy. Thậm chí, chị nên ở đó thêm một vài tuần để kịp thời can thiệp nếu chẳng may cô ấy có nghĩ quẩn làm liều.
Hãy tận dụng những ngày cận kề để tâm sự, phân tích, giúp em chị hiểu ra vấn đề. Bây giờ nói nhiều một lúc không giải quyết được gì. Hãy yêu thương và thấu hiểu cô ấy. Tôi tin rằng khi đã bình tĩnh lại, em chị sẽ biết mình nên làm gì.
Theo phunuonline.com.vn