Khi sự sống được nối dài
Đã có rất nhiều người thoát khỏi căn bệnh sống chung thân nhờ ghép thận, hàng trăm trường hợp sống bằng gan người khác, không ít trường hợp được nhìn thấy ánh sáng… Đó là những sự sống được nối dài từ nghĩa cử cao đẹp của hàng ngàn người đăng ký hiến tạng.
“Rủ” nhau đi đăng ký hiến tạng
Ra đời từ năm 2013, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia chỉ vỏn vẹn với 5 nhân sự, hoạt động trong bối cảnh nền y học ghép tạng đã có những bước phát triển vượt bậc nhưng quan niệm hiến tặng mô tạng sau khi chết, chết não vẫn còn vô cùng hạn chế. Sau 1 năm ra đời, chỉ có khoảng 200 người đăng ký hiến mô tạng và chủ yếu là cán bộ công nhân viên ngành y tế. Đến năm 2017, sau 4 năm cũng chỉ có khoảng 12 đơn xin đăng ký hiến tạng.
Năm 2018, tấm gương bé Hải An, Vân Nhi hiến tặng giác mạc khi qua đời đã nhân lên nghĩa cử cao đẹp ấy. Người dân không còn e dè khi nhắc đến việc hiến tạng, bởi như Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia Nguyễn Hoàng Phúc nói, trong năm qua, số người đăng ký hiến mô tạng đã tăng lên đáng kể. Nếu như giai đoạn trước, trung tâm phải đi vận động, tuyên truyền kêu gọi người thân của người bị tai nạn, chết não đồng ý cho hiến tạng thì năm nay, tình thế này đã thay đổi ngược lại. Cho đến ngày 7/1/2019, số người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não trong cả nước đã lên tới 20.033 trường hợp.
Bé Mai Reon tham gia hiến giác mạc... |
Không ít những cuộc gọi, những trường hợp đến trực tiếp trung tâm khiến tư vấn viên lặng người. Đó là trường hợp một thanh niên mới 24 tuổi nhưng mắc bệnh, xin đăng ký hiến tạng sau khi chết não. Bạn này không có chứng minh thư, không có hộ chiếu và chỉ có duy nhất giấy khai sinh. Các tư vấn viên đã rất xúc động khi hướng dẫn thanh niên này đăng ký từ xa.
Trong khi đó, một bạn nam khác hoàn toàn khỏe mạnh cho biết, ban đầu định 14/2 sẽ đi đăng ký để mang tấm thẻ hiến tạng thay một món quà tặng vợ nhân dịp kỷ niệm “5 năm ngày cưới”, nhưng rồi anh lại quyết định đi ngay trước ngày cận kề Tết âm lịch. “Mới đây thôi, tôi đến một trung tâm dạy trẻ khiếm thính. Nhìn các em còn quá nhỏ mà không thể tự làm được gì, không biết ông mặt trời màu gì, cũng chẳng thể ngắm nhìn những điều giản dị nhất… Lúc này tôi mới hiểu, nếu có giác mạc thay thế, cuộc đời của các em sẽ khác, gia đình các em bớt đi những sầu lo, xã hội bớt đi gánh nặng…Và tôi nghĩ, tại sao mình lại không cho đi một phần, hay nhiều phần trong cơ thể khi mình không thể tiếp tục được sự sống? Tại sao mình lại không thể để sự sống tiếp tục được nối dài?”, nam thanh niên này chia sẻ.
Sự sống được nối dài
Nhờ có những nghĩa cử cao đẹp ấy, sự sống được nối dài, nhân rộng, người dân cũng phần nào hiểu rằng “cho đi là còn mãi” khi một người nằm xuống lại là khởi đầu cho biết bao số phận khác.
Ninh Bình được coi là địa phương có phong trào hiến mô tạng tích cực nhất cả nước. Chia sẻ về điều này, ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình nói: “Tại Ninh Bình, việc hiến giác mạc đã thành “truyền thống”, từ năm 2007 đến nay, chúng tôi quan tâm tuyên truyền, phối hợp với các tổ chức tôn giáo để vận động nhân dân đăng ký hiến giác mạc, chính vì vậy đến nay đã có hơn 10.000 người đăng ký và đã có 300 người hiến giác mạc”.
Trong đó không thể không kể đến trường hợp của Thiếu tá Lê Hải Ninh cũng như anh Dương Hồng Quý, không may mắc bệnh hiểm nghèo, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã kịp thời chia sẻ mất mát với gia đình, động viên tinh thần, hỗ trợ tâm lý… “Chúng tôi đã vận động người thân, gia đình hai anh về việc sự sống của người hiến tạng sẽ được nối tiếp trong những cơ thể khác, cuộc đời khác. Gia đình các anh cũng đã nén đau thương mất mát để cùng với Hội Chữ thập đỏ liên hệ với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia thực hiện nghĩa cử này”, ông Kỳ chia sẻ.
Chị Tạ Thị Kiều, vợ Thiếu tá Lê Hải Ninh kể lại, hôm đó vào ngày 26/2, trước khi các bác sĩ đẩy chồng chị vào phòng , chị chỉ biết thì thầm bên tai anh – dù chẳng biết anh có còn nghe thấy. “Tôi nói rằng, em không biết việc làm của em đúng hay sai, không biết anh giận em hay không nhưng em muốn anh cứu được nhiều người khác. Anh không thể ở lại, anh đã ra đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi vẫn thở và đôi mắt của anh vẫn sáng ngời theo dõi mẹ con em sống như thế nào”.
Đến giờ, sau gần một năm thiếu vắng người chồng, người cha, cả gia đình anh Ninh chưa nguôi ngoai nỗi đau buồn, nhưng nguồn an ủi, động viên họ lúc này chính là 6 người nhận gồm 1 người nhận phổi, 2 người nhận thận, 1 người nhận tim và 2 người nhận giác mạc…
Tiếp đến, vào ngày 24/12/2018, anh Dương Hồng Quý (43 tuổi, trú tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) là người đã viết tiếp những nốt nhạc đẹp ấy. Anh Quý phát hiện mình mắc bệnh về mạch máu não từ tháng 11/2018. Khi biết mình không thể qua khỏi, anh đã gọi các thành viên trong gia đình tới và đưa ra đề nghị được hiến tạng để cứu sống những người khác.
Cũng trong những ngày cuối năm 2018, hình ảnh cậu bé nhỏ tuổi nhất hiện nay khi vừa tròn 4 tuổi hiến giác mạc cũng lay động lòng người. Bé Mai Reon là con trai của vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Minh Toàn và chị Mai Mika. Sinh ra ở Nhật, sau lần về Việt Nam, bé được bố mẹ cho ở lại với bà và các bác tại Phú Thọ. Không may cháu gặp tai nạn, được đưa vào Bệnh viện Phú Thọ cấp cứu. Đúng sinh nhật bé tròn 4 tuổi – 24/12, dù bánh nến, quà sinh nhật được bố mẹ chuẩn bị sẵn nhưng mọi nỗ lực cứu chữa không thành, bé ra đi mãi mãi. Trong giây phút cuối, cha mẹ bé đã quyết định hiến đôi giác mạc của con để mang ánh sáng cho người khác.
Xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của bố mẹ bé, Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương Nguyễn Hữu Hoàng cho hay, bé Mai Reon là trường hợp nhỏ tuổi nhất hiến giác mạc sau khi mất, em đã giúp hai người sống trong bóng tối tìm được ánh sáng. Hiện các bác sĩ Bệnh viện Mắt đã tiến hành ghép một giác mạc của bé Mai Reon cho một thanh niên 20 tuổi ở Thanh Hóa.
Sự sống vẫn sẽ được tiếp tục nối dài thêm bởi đã có hàng ngàn người sẵn sàng hiến mình cho những người khác. Những đốm lửa nghĩa cử cao đẹp ấy đang thắp lên một mùa xuân của sự sống, của hy vọng.