Khi nào cảnh sát cơ động được quyền nổ súng?
Để phù hợp với bối cảnh, Chính phủ đã đề nghị thay đổi tên gọi CSCĐ thành Cảnh sát vũ trang (CSVT) trong dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Nhiều đại biểu TVQH cho rằng việc thay đổi tên gọi này không hoàn toàn phù hợp.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: Quy định về tên gọi do QH đặt, giờ Chính phủ thay thì có hợp lý và có đúng thẩm quyền không? “Tên lực lượng vũ trang không sướng bằng cơ động và đặc nhiệm” – Chủ tịch QH nói.
![]() |
Bộ trưởng Công an sẽ ra lệnh nổ súng cho CSCĐ trong các trường hợp khẩn cấp. |
Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý cho rằng, nếu đổi tên từ "cơ động" thành "vũ trang" thì sẽ phải trình xin ý kiến lại QH. Ngoài ra ông Lý cũng đề nghị cân nhắc với quy định lực lượng này được xâm nhập vào chỗ ở, điều này có thể xâm phạm đến quyền lợi của công dân.
Hay với quy định CSCĐ sử dụng vũ khí đối với các trường hợp tụ tập đông người cũng cần phải cân nhắc… Với nhiều nội dung liên quan đến Hiến pháp, Luật Công an nhân dân nên ông đề nghị không thông qua trước Luật Công an nhân dân.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, CSCĐ là bộ phận cấu thành trong Cảnh sát nhân dân, nhiều nội dung trong Pháp lệnh này liên quan đến việc sửa đổi luật Công an nhân dân nên cần phải suy nghĩ kỹ.
Theo ông Hiện và nhiều người khác, đã là cảnh sát, cơ động thì phải nằm trong lực lượng Công an nhân dân. Do vậy nếu cần thiết thì có thể đưa CSCĐ vào thành một chương. Đối với lực lượng Cảnh sát biển cũng vậy.
Đồng tình với chủ trương trang bị máy bay tàu thuyển cho CSCĐ, tuy nhiên ông Hiện nhấn mạnh đến việc "quản lý như thế nào cho hợp lý, tránh để người dân phàn nàn".
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước thì cho rằng, dù là Cảnh sát vũ trang hay CSCĐ thì cũng phải là một lực lượng trong Bộ Công an, do Bộ trưởng chịu trách nhiệm. Nếu có vấn đề gì thì Bộ trưởng phải là người trả lời trước QH.
Về chủ trương huy động người, phương tiện và tài sản, để đảm bảo tính hợp pháp ông Phước đề nghị cần phải đối chiếu với luật Công an nhân dân và một số luật, pháp lệnh khác.
Tuy nhiên vị Chủ tịch Hội đồng dân tộc một thời làm Giám đốc Công an cũng tỏ ra băn khoăn, liệu có nên trang bị máy bay cho lực lượng CSCĐ? Bởi theo ông ngoài lực lượng này, còn có lực lượng PCCC, Cảnh sát giao thông đường thủy cũng trang bị máy bay, như vậy rất manh mún, phân tán. Vì thế chỉ nên đưa máy bay trang bị cho lực lượng công an nói chung và Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quyết định sử dụng thế nào.
Đồng tình với việc giữ nguyên tên gọi CSCĐ như hiện nay, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng lưu ý quy định chức năng nhiệm vụ của CSCĐ càng cụ thể, rõ thì càng dễ hoạt động sau này.
Phó Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh cần phải quy định rất rõ khi nào CSCĐ được nổ súng. "Đương nhiên đã là CSCĐ thì được trang bị vũ khí, nhưng vấn đề quan trọng là lực lượng này được nổ súng khi nào?" Hay quy định được phép xâm nhập vào chỗ ở của các cơ quan, tổ chức trong nước, nước ngoài khi phát hiện có dấu hiệu khủng bố, cần phải xem xét thận trọng.
Đối với quyền ra lệnh nổ súng trong các trường hợp khẩn cấp, TVQH đề nghị nên giao cho Bộ trưởng Bộ Công an, và Bộ trưởng có thể ủy quyền cho một Thứ trưởng thực hiện mệnh lệnh này trong những trường hợp khẩn cấp.