Khi giới trẻ sợ Tết...
Sợ Tết vì nhiều lí do…
Chú Thúy Quỳnh (sinh viên Đại học Thương Mại, quê Thái Bình) chia sẻ: “Em sợ Tết lắm, bởi cả năm làm thêm được mấy đồng phụ giúp bố mẹ trang trải học phí một phần thì chỗ còn lại phải mang ra… tiêu Tết. Tiền tàu xe đi lại đắt đỏ, tiền mua đồ Tết, tiền lì xì bọn nhóc tì, tiền mua đồ trang trí nhà cửa… Đủ các thứ tiền mà không chi không được, dù bố mẹ đã sắm sang Tết đầy đủ và chả cần nhờ vả gì”.
Không quá eo hẹp về tài chính, Đỗ Anh Tú (Duy Tiên, Hà Nam – nhân viên kinh doanh của Công ty Phú Thái) lại đau đầu chuyện khác: “Năm nào cũng vậy, cứ Tết là tôi lại được họ hàng hỏi thăm những câu quá riêng tư như “lương tháng thế nào”, “bao giờ xây dựng gia đình”, “gần 30 rồi mua xe hơi đi, hàng xóm đứa này đứa kia nó khá lắm”, “nghe bảo mày làm ăn tốt thế mà sao không xin được việc cho đứa em”…
Không chỉ đau đầu chuyện Tết nội – Tết ngoại, chị Trần Thị Vân (Hạ Hòa, Phú Thọ - buôn bán tự do, lấy chồng quê Nam Định) cho biết: “Do chồng tôi là con đầu cháu trưởng nên việc nhà chồng những ngày Tết khiến tôi không có thời gian nghỉ ngơi. Trước Tết, tôi phải cùng các con về sớm để dọn dẹp nhà cửa và hỗ trợ bố chồng lau dọn từ đường do chồng còn phải ở lại Hà Nội chúc Tết cơ quan. Trong mấy ngày Tết, từ bữa cơm Tất niên, bữa cơm họp họ cuối năm cho tới cơm cúng 3 ngày Tết đều đến tay.
Trung bình mỗi bữa 3 mâm cơm cúng. Dù tôi được đứa em chồng chưa xây dựng gia đình biết ý tận tình trợ giúp. Chồng tôi cũng thương vợ lao vào bếp sắp xếp nhưng do lệ ở quê là cứ phải đủ bữa, đủ mâm nên khiến tôi rất mệt mỏi. Có năm kia mẹ chồng nghe lời các thày chùa bảo với gia đình hạn chế việc cơm nước, cúng chay là được rồi là tôi thoát nạn. Nào ngờ, năm ngoái tôi lại trở lại guồng quay đâu hoàn đấy, do lệ ăn uống nhà bác trưởng đã thành nếp và bố chồng tôi cả nể với các cô chú”, chị Vân than thở.
…nhưng sợ nhất là bị thúc lập gia đình
Nếu các cặp vợ chồng trẻ đau đầu chuyện ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại với những người có quê xa nhau thì các bạn trẻ sợ nhất là bị thúc lập gia đình. Nguyễn Tuấn Anh (32 tuổi, nhân viên công ty truyền thông) từ 8 năm qua năm nào cũng bị giục cưới vợ. Thực tế, ở cái tuổi của anh bạn bè đã yên bề gia thất nhưng với anh, hôn nhân dường như vẫn là một điều gì đó xa ngái.
“Tôi cũng muốn lập gia đình lắm, nhưng có vẻ duyên chưa tới. Tôi chuẩn đàn ông, chẳng kén chọn gì, thu nhập cũng tạm ổn nhưng có vẻ hôn nhân chưa bén duyên. Vài năm trước mọi người hỏi chuyện kết hôn, tôi ậm ừ trêu đùa lại mọi người, nhưng rồi những lời hỏi thăm dần thành áp lực và giờ đây tôi trốn ở nhà chẳng muốn đi đâu trong mấy ngày Tết”, Tuấn Anh nói.
Về phía gia đình, bố mẹ nào cũng mong con cái sớm ổn định gia thất để chí thú làm ăn. Tuy nhiên vì nhiều lí do giới trẻ ngày nay ngại yêu, ngại kết hôn và có xu hướng kết hôn muộn. Chính vì vậy, những dịp Tết đến Xuân về khi bị hỏi vấn đề lập gia đình, đa phần các bạn trẻ đều né tránh câu trả lời trực tiếp hoặc coi đây là những câu hỏi… “vô duyên”.
Thực tế, một trong những áp lực với nhiều người trẻ là họ cảm thấy khó xử trước sự quan tâm hay những lời hỏi thăm tò mò thái quá của người khác. Chính vì vậy, trên các diễn đàn mạng xã hội vài năm gần đây giới trẻ còn phải “rào đón” lập ra các quy tắc cho chính phụ huynh và người thân tránh những câu hỏi như vậy trong ngày Tết.
Ví dụ, để việc chúc Tết sao cho khéo; người được chúc và người đi chúc đều vui vẻ, không thấy khó xử thì những nội dung như: Chúc sớm lấy chồng/lấy vợ; chúc sớm có em bé (với người đang chữa vô sinh); chúc làm ăn tấn tới (với người vừa trắng tay vì chứng khoán/ tiền ảo…) thì cũng là điều hết sức tránh.
“Nếu không biết chúc gì thì tốt nhân nên khen nhau về ngoại hình và nói những chuyện vui cười, vô thưởng vô phạt chính là cách ai cũng cảm thấy vui vẻ trong những ngày Tết”, Tuấn Anh kết luận.
Nam Phương