Khí đốt: Bóng ma ẩn sau khủng hoảng vùng Vịnh
Cuộc tấn công ngoại giao ở vùng Vịnh do Ả Rập Xê-út khởi xướng được công khai với lý do Qatar hỗ trợ khủng bố.
Thời điểm bắt đầu của cuộc chiến ngoại giao này diễn ra chỉ hơn một tuần sau chuyến thăm Ả Rập Xê-út của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong chuyến thăm này, ông Trump kêu gọi Riyadh dẹp loạn những khoản hỗ trợ tài chính cho chủ nghĩa khủng bố.
Theo báo cáo của Financial Times, Qatar đã chi hơn 1 tỷ USD cho Iran và các chi nhánh của al-Qaeda. Đây là cái cớ hoàn hảo để Ả Rập Xê-út không thể tiếp tục chấp nhận người láng giềng của mình, vốn gần đây đã thay đổi hoàn toàn ý thức hệ trong quan hệ với người Shia ở Iran và người Nga.
Quan hệ Qatar và Ả Rập Xê-út bị cắt đứt vì cáo buộc "ủng hộ khủng bố". |
Tuy nhiên, như thường lệ, câu chuyện bề ngoài được tung ra luôn luôn có những lý do chính đáng để lý giải cho những căng thẳng tiềm ẩn.
Và lý do thực tế có thể đơn giản hơn rất nhiều so với những gì truyền thông quốc tế đang “vẽ” ra. Một lần nữa, bản chất sâu xa vẫn chỉ quanh quẩn bên một chủ đề gây tranh cãi: Sự thống trị của Qatar trên thị trường khí đốt.
Khi giàu có, Qatar thay đổi lập trường chính trị
Có thể bắt đầu câu chuyện bằng cách gợi lại cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Syria – nơi mà các ông lớn dầu mỏ đang cạnh tranh từng mét đường ống dẫn dầu tới châu Âu. Qatar từng muốn xây dựng đường ống thông qua Syria đi thẳng tới châu Âu. Nếu điều này xảy ra, Gazprom của Nga sẽ mất thế độc quyền nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) ở châu Âu. Vì thế, Nga buộc phải can thiệp sâu vào cuộc chiến ở Syria, ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad chống lại quân nổi dậy Syria – lực lượng đang được Qatar hỗ trợ.
Theo một phân tích độc lập của hãng tin kinh tế Bloomberg, “lý do thực sự” đằng sau khủng hoảng vùng Vịnh và sự cô lập của Ả Rập Xê-út đối với Qatar, không khác gì hơn là “diễn tiến của cuộc tranh chấp dài hơi chưa thấy kết thúc về khí đốt tự nhiên”.
Cuộc chiến này bắt đầu từ năm 1995, khi bán đảo sa mạc bé nhỏ ở vùng Vịnh bắt đầu rút dầu từ bồn chứa lớn nhất thế giới và phân phối ra toàn thế giới. Lúc đó, đường dẫn khí đốt Phương Bắc là đường cung hầu hết khí đốt của Qatar được chia sẻ với Iran, trong khi Iran là đối thủ đáng ghét nhất của Ả Rập Xê-út ở khu vực.
Dầu mỏ biến Qatar từ một bán đảo nông nghiệp nghèo nàn trở thành một trong những quốc gia giàu nhất, cũng là quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người lên đến 130.000 USD/năm. Đây là nguồn cơn khiến Qatar ngày càng xa cách với người láng giềng Ả Rập, bị các nước láng giềng cô lập và bị đẩy vào cuộc khủng hoảng vùng Vịnh chưa biết có hồi kết hay không.
Trong suốt hai thập kỷ qua, Qatar đã trở thành cường quốc cung cấp khí đốt lớn nhất khu vực, cạnh tranh với Gazprom của Nga trong lĩnh vực xuất khẩu khí hoá lỏng. Theo một báo cáo trong năm 2013 của tạp chí Financial Times, với vị thế mới của mình, Qatar đã bắt đầu thay đổi ý thức hệ, chuyển đổi sự trung thành đối với láng giềng trong khu vực sang một “tay chơi” độc lập trên bàn cờ chính trị thế giới.
Ban đầu, Qatar ủng hộ và đỡ lưng về tài chính cho quân nổi dậy Syria, quyết tâm lật đổ chính quyền Assad để dành được quyền tạo đường ống dẫn dầu đi qua nước này tới với châu Âu. Đất nước bé nhỏ giàu khí đốt Qatar đã chi khoảng 3 tỷ USD trong 2 năm qua để hỗ trợ quân nổi dậy Syria – một sự hào phóng không chính quyền nào chạy theo nổi. Và giờ đây, Qatar bị Ả Rập Xê-út huých một cú cùi chỏ đau đớn khi bị đổ lỗi cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy.
Xét cho cùng, số tiền Qatar dùng để gây ảnh hưởng chiếm tỷ lệ nhỏ nhoi trong tổng số tiền đầu tư ra nước ngoài của nước này. Nhưng sự hỗ trợ tài chính cho lực lượng nổi dậy ở Syria đã khiến cuộc nội chiến này dây dưa kéo dài, làm lu mờ sự ủng hộ của phương Tây đối với phe đối lập ở Syria.
Nên nhớ, trong cuộc nội chiến ở Syria có khá nhiều bên: Quân đội Syria do chính quyền Assad lãnh đạo, quân nổi dậy hòa bình do phương Tây hỗ trợ, lực lượng Nhà nước Hồi giáo và các nhóm phiến quân nhỏ lẻ khác.
Căn cứ quân sự của Mỹ ở Qatar. |
Qua thời gian, Qatar nhận ra rằng Nga sẽ không bao giờ cho phép một đường ống dẫn dầu từ Qatar đi qua Syria. Và đó là lúc Qatar thay đổi thái độ đối với đối thủ xưa. Năm 2016, Qatar ký kết một khoản đầu tư trị giá 2,7 tỷ USD cho Rosneft, một công ty khí đốt nhà nước của Nga, bất chấp việc Qatar là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông. Động thái này của Qatar khiến tất cả các bên lo ngại Qatar sẽ đứng về liên minh Nga – Iran – chính quyền Assad.
Có vẻ như, Qatar muốn thoát khỏi cái bóng của Ả Rập Xê-út trong khu vực. Nhận định về vấn đề này, Jim Krane, một nhà nghiên cứu về năng lượng tại viện Baker ở Đại học Rice cho biết trong một bài báo của Bloomberg: “Qatar luôn bị xem là một nước chư hầu của Ả Rập Xê-út, nhưng có vẻ họ đang dùng tiềm lực kinh tế để thoát khỏi cái bóng đó và tự tạo cho mình một vị thế độc lập”.
Thêm vào đó, Qatar không bị phụ thuộc vào OPEC – tổ chức kiểm soát nguồn dầu mỏ nơi Ả Rập Xê-út có tiếng nói quyết định. “Cả khu vực chỉ chực chờ cắt phăng đôi cánh của Qatar”, tờ Bloomberg nhận định. Và, cũng theo Bloomberg, cơ hội đó đã đến đúng thời điểm Tổng thống Donald Trump có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Trung Đông tìm cách tăng cường cô lập Iran.
Tổng thống Mỹ cảm thấy hài lòng với việc Qatar bị cô lập, điều đó được thể hiện trong một loạt những dòng tweet ông viết trên trang Twitter của mình, và chắc hẳn ông quên rằng sức mạnh quân sự của nước ông ở Trung Đông đang được đặt ở đây.
Từ chối cắt đứt quan hệ với Iran, Qatar bị cô lập
Quay trở lại câu chuyện khí đốt, Qatar là quốc gia có chi phí sản xuất khí đốt rẻ nhất thế giới, cạnh tranh hơn hẳn ngành sản xuất khí đốt của láng giềng, đẩy vị thế của Qatar lên cao trên thị trường trong bối cảnh nhu cầu khí đốt để sản xuất điện và ngành công nghiệp năng lượng đang tăng nhanh ở vùng Vịnh. Trasi ngược với đó, giá thành khai thác khí đốt trong nước cao, chi phí nhập khẩu cao khiến các nước láng giềng của Qatar gặp nhiều khó khăn khi phát triển.
Các quốc gia láng giềng từng kỳ vọng Qatar sẽ giảm giá khí đốt cho họ, tuy nhiên Qatar đã không làm như vậy. Năm 2005, Qatar tuyên bố sẽ đẩy mạnh phát triển Phương Bắc – đường ống nối Qatar với thị trường tiêu thụ khí đốt lớn nhất thế giới. Phần còn lại của vùng Vịnh vào lúc đó và cho đến tận bây giờ, luôn cảm thấy giận dữ và bị phản bội vì quyết định của Doha.
Dĩ nhiên, theo đúng lẽ thường, kẻ giàu có sẽ mạnh miệng. Sự giàu có của Qatar nhanh chóng hỗ trợ nước này phát triển ảnh hưởng chính trị. Điều này gây phiền hà cho láng giềng của họ. Qatar đỡ lưng cho Anh Em Hồi giáo ở Ai Cập, Hamas ở dải Gaza và các phe phái vũ trang chống Ả Rập Xê-út và UAE ở Lybia và Syria. Thêm vào đó, Qatar được cho là ủng hộ cho người Shiite ở Iran, trong khi Ả Rập Xê-út lại chống lưng cho người Sunny.
Những mâu thuẫn tiềm tàng thực sự bùng nổ khi 2 năm gần đây, năng suất khai thác khí đốt của Iran bỗng chốc đang chậm chạp bắt kịp với Qatar khi Qatar từ chối tăng năng suất khai thác của mình.
Đường ống dẫn dầu Dolphin của Qatar cung cấp 1,8 tỷ m3 khí đốt sang UAE mỗi ngày. |
“Người ta đang tranh cãi về việc chính xác các quốc gia Ả Rập mong muốn gì ở Qatar”, Gerd Nonneman, giáo sư chuyên nghiên cứu quan hệ quốc tế và vùng Vịnh tại Đại học Georgetown ở Doha cho biết, “Có vẻ họ muốn Qatar ẩn mình. Qatar không thể gọi Anh Em Hồi giáo là tổ chức khủng bố, vì đúng họ không phải là khủng bố. Qatar sẽ không cắt đứt quan hệ với Iran, vì hiển nhiên rằng Iran có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế của họ”.
Dù sự cô lập Qatar phải phụ thuộc vào những bước đi tiếp theo của cả Ả Rập Xê-út và Iran, một việc không thể chối cãi là Ả Rập Xê-út, UAE và Ai Cập đều phụ thuộc rất lớn vào đường ống và khí đốt của Qatar.
Mối quan hệ giữa Qatar và phần còn lại của vùng Vịnh có thể gói gọn trong cụm từ hoặc “cùng được”, hoặc “cùng mất”. Theo một phân tích của hãng tin Reuters, hiện nay, mỗi ngày UAE tiêu thụ khoảng 1,8 tỷ khối khí đốt của Qatar thông qua đường ống Dolphin. Dù chủ động cắt đứt quan hệ với Qatar, UAE lo ngại sẽ bị ăn miếng trả miếng nếu Qatar ngừng cung cấp khí đốt cho mình.
UAE có thể tìm kiếm phương án thay thế Dolphin trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, về lâu dài, Dolphin quá lớn để có thể thay thế hoàn toàn. Nếu Qatar ngừng cung chỉ một đợt hàng sang UAE, thị trường khí đốt thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Trong hoàn cảnh đó, cả UAE lẫn Qatar đều bị tổn thương kinh tế một cách sâu sắc.
Khi đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, không sớm thì muốn, các quốc gia vùng Vịnh buộc phải sớm giải quyết mâu thuẫn chính trị. Bởi nếu không bắt tay trở lại, chẳng nước nào trong số các quốc gia liên quan có lợi, kể cả nước Mỹ.