Khánh Hòa thả hàng ngàn muỗi ra đảo
Quần thể muỗi Aedes Aegypti mang các tác nhân sinh học Wolbachia sẽ được thả ra đảo Trí Nguyên (thuộc P.Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) để thay thế muỗi tự nhiên có khả năng truyền bệnh SXH.
Đây là nội dung được các nhà khoa học trong và ngoài nước thảo luận tại Hội thảo triển khai dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes Aegypti mang các tác nhân sinh học Wolbachia".
Khi muỗi Aedes Aegypti mang các tác nhân sinh học Wolbachia được thả vào tự nhiên, qua giao phối sẽ làm ức chế sự nhân lên của virus Dengue trong muỗi vằn, từ đó thay thế loại muỗi mang virus SXH này. |
Theo các nhà khoa học quần thể muỗi Aedes Aegypti mang các tác nhân sinh học Wolbachia khi được thả vào tự nhiên sẽ lây truyền khuẩn Wolbachia cho muỗi tự nhiên. Loại vi khuẩn này khi xâm nhập vào muỗi tự nhiên sẽ gây ra những ức chế sự nhân lên của virus Dengue - virus gây bệnh SXH - đồng thời làm giảm tuổi thọ của muỗi thường.
Được phát hiện từ năm 1924, vi khuẩn Wolbachia qua kiểm nghiệm không lây sang người. Australia đã thả loại muỗi này vào cộng đồng từ năm 2011, kết quả thu được khá khả quan.
Theo Tiến sĩ Viên Quang Mai, Phó viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, trung bình hàng năm tại Việt Nam có hơn 50.000 ca nhiễm SXH, trong đó số ca tử vong là trên 50, nghiêm trọng nhất là khu vực miền trung. Theo chu kỳ, dịch SXH sẽ bùng phát trở lại sau 5 năm, thế nhưng năm 2010 khu vực này đã bùng phát dịch và từ đầu năm 2012 dịch quay trở lại với hơn 34.000 ca (năm 2010 là 36.000 ca), trong đó có 14 trường hợp tử vong.
Khánh Hòa là tỉnh có số ca nhiễm cao nhất khu vực miền trung. Thống kê của Sở Y tế Khánh Hòa cho thấy đến cuối 2012 toàn tỉnh có gần 5.300 ca nhiễm, trong đó có 5 ca tử vong. Đặc biệt tại Khánh Hòa đã phát hiện lưu hành cả 4 typ vi rút gây bệnh SXH D1, D2, D3, D4…
Sự gia tăng bất thường chu kỳ bùng phát dịch SXH, trong khi đó các biện pháp phòng trách tỏ ra không hiệu quả. Vì vậy phương pháp thay thế tác nhân muỗi mới để loại bỏ virus gây bệnh SXH hi vọng sẽ thành công, hạn chế được sự lây lan của dịch.
Sở dĩ chọn đảo Trí Nguyên để triển khai dự án bởi nằm xa đất liền, có quần thể muỗi tự nhiên cao quanh năm. Hiện kết quả triển khai thực địa cho thấy tỷ lệ sống của muỗi chứa vi khuẩn Wolbachia đạt 80 - 100%, không có tác động nào ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đa số các hộ dân trên đảo đồng tình để dự án được triển khai. Sau khi tiến hành khảo sát các bước cần thiết, tháng 4/2013 các nhà khoa học bắt đầu thả muỗi ra đảo.
Tuấn Anh