Khách Nhật hồi phục chậm, người Việt đổ đi Nhật ngắm hoa anh đào
Theo Tổng cục Du lịch, cả năm 2022, Việt Nam chỉ đón được 128.764 khách Nhật, thấp hơn rất nhiều, chỉ bằng khoảng 1/10 so với trước Covid-19 (năm 2019 là gần 1 triệu khách).
3 tháng đầu năm nay, con số này cũng chỉ là 117.000 khách. Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, mặc dù có mức tăng trưởng tốt, trên 28,5%, nhưng lượng khách vẫn nhỏ bé so quý I/2029 với 463.000 lượt khách. Như vậy, tỷ lệ hồi phục của khách Nhật so với trước dịch vẫn rất chậm, chỉ vào khoảng 24%.
Trong khi đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc lâu nay vốn là ba thị trường Đông Bắc Á trọng điểm, dẫn đầu về lượng khách đến Việt Nam.
Giai đoạn 2015-2019, khách Nhật Bản đến Việt Nam tăng 1,4 lần, từ 671.000 lượt (năm 2015) lên 952.000 lượt (năm 2019), mức tăng bình quân đạt 9,1%/năm.
Lý giải về con số ít ỏi khách Nhật Bản đến Việt Nam sau đại dịch, ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH JTB-TNT - đơn vị thuộc top 3 DN đón khách Nhật lớn nhất tại Việt Nam - cho hay, người Nhật rất thận trọng với tình hình dịch Covid, bởi nước Nhật cũng dỡ bỏ hạn chế chậm hơn so với các quốc gia khác.
Kinh tế Nhật khó khăn ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là việc đồng Yen mất giá nhiều làm chi phí du lịch tăng cao. Không chỉ Việt Nam, lượng khách du lịch đến Thái Lan, Singapore - 2 điểm đến cạnh tranh mạnh với Việt Nam - cũng không có nhiều khách Nhật, ông chia sẻ với PV. VietNamNet.
Ngoài những nguyên nhân khách quan trên, việc chuỗi hệ thống dịch vụ của ngành du lịch Việt Nam cũng chưa hồi phục sau dịch (khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên) đang là khó khăn khi phải báo giá, đặt chỗ - xác nhận,… cũng là nguyên nhân khiến lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam tăng trưởng chậm.
Người Việt đi Nhật vượt cả trước dịch Covid-19
Ở chiều ngược lại, Nhật Bản cũng là điểm đến yêu thích của du khách Việt.
Sau gần 3 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kể từ đầu năm nay, người Việt Nam đổ xô đi du lịch Nhật Bản, kể cả khi nước này gần đây siết chặt việc cấp thị thực.
Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) thông tin, lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản trong tháng 2/2023 đạt 55.800 lượt người, là tháng thứ hai liên tiếp vượt trên 50.000 lượt người. Đây cũng là kết quả cao nhất từ trước tới nay nếu tính theo đơn vị tháng, vượt qua 55.295 lượt người đạt được vào tháng 4/2019.
Tính chung hai tháng đầu năm, số khách Việt Nam đến Nhật Bản vượt xa so với trước đại dịch Covid-19 với 107.300 lượt người, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm 2019 (74.752 lượt người). Đến nay, các chuyến bay giữa Việt Nam - Nhật Bản đã khôi phục 95% so với trước dịch.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Trưởng phòng Du lịch Nhật Bản của Dream Travel, cho biết, mùa hoa anh đào (từ 14/2 - cuối 4/2023), công ty bà phục vụ khoảng 500 khách Việt Nam đi du lịch Nhật Bản. Đến nay, công ty đã khóa tour 30/4-1/5 và chuyển sang bán tour mùa hè.
Tuy nhiên, từ khoảng cuối tháng 3, bà Hòa nhận thấy việc xin visa đoàn cho khách đi theo tour khó khăn hơn. Thời gian chờ duyệt visa lâu hơn.
Bà Hòa dẫn chứng, nếu nộp hồ sơ tại TP.HCM, khi chứng minh tài chính, phía Nhật Bản yêu cầu khách phải có sổ tiết kiệm giá trị 100 triệu đồng, kỳ hạn ít nhất 3 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ nên nhiều người chưa đáp ứng được.
Hơn nữa, trước đây, việc ghép đoàn khách lẻ sử dụng một thư mời đặc biệt, phía lữ hành được nộp hồ sơ nhiều lần đến khi đủ đoàn 30 người thì thôi. Nhưng hiện tại, Nhật Bản yêu cầu chỉ nộp một lần duy nhất cho cả đoàn 30 khách. Nếu chẳng may, một hồ sơ được yêu cầu phải bổ sung nhân thân, hình ảnh,... thì cả 30 hồ sơ đều bị chậm lại.
Điều này làm ảnh hưởng đến ngày bay (do vé đã đặt cọc), hành trình tour,... buộc phía lữ hành phải làm hồ sơ visa rất kỳ công, không được phép sai sót.
Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội, thêm một lý do là Nhật Bản đang trong quá trình kiểm tra lại hệ thống doanh nghiệp được chỉ định làm visa có đủ năng lực kinh doanh dịch vụ lữ hành sau dịch Covid-19 hay không, làm thời gian xin visa tăng lên khoảng 10 ngày, thay vì 6 ngày như trước.
Ngọc Hà