"Kẻ phản bội" Triều Tiên trở thành ĐBQH Hàn Quốc
"Kẻ phản bội" Triều Tiên trở thành ĐBQH Hàn Quốc
Ông Cho Myung-chul sẽ là người Triều Tiên tị nạn đầu tiên giành ghế trong Quốc hội Hàn Quốc. |
Ông Cho Myung-chul, người đã từng thuộc tầng lớp "danh giá" của Triều Tiên dưới thời cố chủ tịch Kim Jong-il, đang tham gia cuộc bầu cử quốc hội Hàn Quốc và khả năng giành được một ghế của ông là rất cao nên có thể, ông Cho sẽ là người tị nạn Triều Tiên đầu tiên có chân trong Quốc hội Hàn Quốc.
Ông Cho từng học tập tại Trường đại học Kim Nhật Thành và sau đó ở lại làm giảng viên tại đây. Ngôi trường này được đặt theo tên của vị lãnh tụ đã dựng nên nước Triều Tiên, và chỉ dành cho những người trung thành với chế độ lãnh đạo.
Trong khi đang công tác tại Trung Quốc với vai trò là một giáo sư trong chương trình hợp tác trao đổi giảng viên, thì ông Cho bỏ trốn, bỏ lại người vợ của mình ở Triều Tiên để xin tị nạn tại Hàn Quốc.
Sau nhiều năm làm việc tại các viện nghiên cứu, ông Cho được bổ nhiệm vào Viện nghiên cứu giáo dục thống nhất tại Seoul, cơ quan công cộng cao nhất dành cho những người tị nạn.
Bộ máy tuyên truyền của Triều Tiên phê phán ông Cho là “cặn bã của nhân loại” và là "Kẻ phản bội" còn báo chí địa phương cho biết Triều Tiên đã phái một đội quân để tiêu diệt ông Cho.
Ông Cho phát biểu rằng, “Nếu họ sát hại tôi thì họ càng làm tôi trở thành anh hùng”.
Cũng như nhiều người dân Triều Tiên khác, ông Cho thấy rằng, đến định cư tại Hàn Quốc là điều rất khó khăn. Với giọng miền Bắc của mình, những người Triều Tiên ở Hàn Quốc thường bị đồng bào miền Nam xa lánh, và nhận thấy rằng họ chỉ được làm những công việc chân tay nặng nhọc. Thậm chí một số người đã vỡ giấc mộng vàng và muốn quay lại Triều Tiên.
Ông Cho cho biết, “Nhiều người tị nạn không thể định cư ở Hàn Quốc, họ phải vật lộn vì không có công ăn việc làm và bị coi như rác rưởi của xã hội”.
Ông Cho đứng thứ tư trong số 44 ứng cử viên của đảng bảo thủ cầm quyền Saenuri, đảng đã đưa ra một lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên, cắt hết các viện trợ và nhấn mạnh rằng, Triều Tiên phải xin lỗi về vụ làm chìm tàu hải quân Hàn Quốc năm 2010, trước khi khởi động lại đàm phán về viện trợ tài chính.
Triều Tiên phủ nhận việc làm chìm tàu khiến 46 thủy thủ Hàn Quốc mất tích.
Mục tiêu cuối cùng của cả chính phủ Triều Tiên và Hàn Quốc là thống nhất hai miền Triều Tiên từng bị phân tách vào năm 1953 sau khi kí kết hiệp định đình chiến kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Trong khi Hàn Quốc đã thoát khỏi đói nghèo và trở thành nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới, thì Triều Tiên còn khó khăn hơn 20 năm trước và là một nước sống chủ yếu bằng viện trợ kinh tế từ Trung Quốc.
Triều Tiên là nước có chế độ “chủ tịch vĩnh viễn”, sẽ tiêu một khoản tiền lớn cho lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành, và ngày 15/04 này sẽ phóng vệ tinh để kỉ niệm này.
Hôm 29/2, Mỹ đạt được thỏa thuận về viện trợ lương thực cho Triều Tiên, việc này tưởng như sẽ phá tan sự xung đột khó hòa giải nhất tại châu Á. Nhưng chỉ hai tuần sau, Triều Tiên tuyên bố sẽ phóng vệ tinh kỉ niệm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành và chương trình viện trợ lập tức bị hủy bỏ.
Ông Cho cho biết, “Sau khi chủ tịch Kim Jong-il qua đời, mọi người hy vọng rằng Kim Jong-un sẽ có những chính sách cởi mở hơn, nhưng Kim Jong-uh cũng lại làm những việc như cha mình đã làm”.
Ông Cho nói, trong khi Hàn Quốc đã thịnh vượng, thì họ phải học cách để tiếp nhận những người Triều Tiên sống ở đây, nếu không khó có cơ hội để tiếp nhận một quốc gia với hơn 70 triệu người.
Ông dự định tận dụng vị trí của mình trong quốc hội để thúc đẩy nhận thức của những người Triều Tiên về những khó khăn phải đối mặt ở Hàn Quốc.
“Nếu chúng ta không thể để 23.000 người Triều Tiên định cư, phát triển tại Hàn Quốc, thì sẽ không thể thực hiện được với 23 triệu người đang sống ở Triều Tiên”.
Hòa Phong