Kế hoạch phong tỏa đường biển chặn tàu Triều Tiên của Mỹ có gì mới?
Reuters cho hay, chính quyền của Tổng thống Donald Trump và các đồng minh chủ chốt ở châu Á đang chuẩn bị kế hoạch mở rộng hoạt động ngăn chặn các tàu thuyền bị tình nghi vi phạm lệnh trừng phạt mà Liên Hợp Quốc (LHQ) áp đặt với Triều Tiên. Kế hoạch này bao gồm hoạt động triển khai các lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ cũng như kiểm tra các tàu thuyền đi lại trên vùng biển ở châu Á – Thái Bình Dương.
Tàu chở dầuYu Jong 2 (bên trái) treo cờ Triều Tiên và tàu Min Ning De You 078 tiến hành tiếp dầu ngay trên biển Hoa Đông hôm 16/2. |
Cụ thể, Washington đã tiến hành thảo luận với các đối tác trong khu vực bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Singapore về việc cùng phối hợp triển khai chiến dịch truy quét có quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm ngăn Bình Nhưỡng sử dụng hoạt động thương mại trên biển để “nuôi dưỡng” chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân.
Về phần mình, Bình Nhưỡng cảnh báo việc ngăn chặn hoạt động của các tàu thuyền nước này trên biển được xem như hành động khiêu chiến.
Tuy nhiên, theo một số chức Mỹ giấu tên, Washington còn có kế hoạch bám sát và thậm chí là tịch thu cả những tàu thuyền bị tình nghi vận chuyển thiết bị vũ khí nằm trong danh mục cấm và các mặt hàng cấm khác từ hoặc tới Triều Tiên.
Ngoài ra, phụ thuộc vào quy mô chiến dịch truy quét, Mỹ có thể điều động thêm lực lượng hải quân và không quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.
Sáng kiến mới này của Mỹ cho thấy, Washington đã thực sự quyết tâm đưa Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán để tiến tới buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.
Bởi không ít quan chức Mỹ khẳng định chỉ còn vài tháng nữa, Triều Tiên đã có thể hoàn thành tham vọng gắn đầu đạn hạt nhân lên trên các tên lửa đạn đạo có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ bất chấp việc quốc gia này đang bị lệnh cấm vận bủa vây. Trong đó, hoạt động buôn lậu và vận chuyển hàng hóa giữa các tàu ngay trên biển đang trở thành nguồn thu giúp Triều Tiên duy trì chương trình hạt nhân.
Nhà Trắng hiện chưa đưa ra lời bình luận chính thức về kế hoạch phong tỏa đường biển đối với các tàu thuyền Triều Tiên.
Theo kế hoạch, những tàu thuyền bị kiểm tra có thể đang hoạt động ngoài khơi hoặc di chuyển trong vùng biển của các nước mà Mỹ hợp tác triển khai chiến dịch. Không rõ hoạt động kiểm tra tàu thuyền này có được Mỹ tiến hành ngoài khu vực châu Á hay không.
Hôm 23/2, Mỹ đã cho công bố lệnh trừng phạt với hàng chục công ty và tàu thuyền có mối liên hệ với Triều Tiên đồng thời hối thúc LHQ đưa các công ty này vào danh sách đen. Theo Washington, đây là động thái nhằm chặn đứng hoạt động buôn lậu trái phép trên biển của Triều Tiên bao gồm các mặt hàng như dầu mỏ và than đá.
Điều đáng nói, sáng kiến mới của Mỹ có thể vấp phải nhiều thách thức lớn như khiêu khích sự trả đũa từ phía Triều Tiên và sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế. Theo một quan chức Trung Quốc giấu tên, hoạt động kiểm tra tàu thuyền trên biển ở châu Á do Mỹ khởi xướng chỉ có thể thực hiện một khi nhận được sự đồng thuận của LHQ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định, không hay biết gì về sáng kiến mới của Mỹ đồng thời nhấn mạnh các nghị quyết của LHQ về Triều Tiên cần được thi hành một cách đầy đủ và nghiêm túc.
“Chúng tôi hy vọng các nước liên quan hành động theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và luật pháp quốc tế”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Song theo một quan chức Mỹ, khả năng Mỹ sẽ bắt đầu hoạt động kiểm tra rà soát trên biển ngay cả khi quá trình thảo luận với các nước đồng minh chưa kết thúc.
Chính quyền của Tổng thống Trump cũng đang tìm kiếm sự hợp tác sâu rộng hơn của các nước Đông Nam Á.
“Càng có thêm đối tác, chúng tôi càng có thêm nguồn lực để triển khai chiến dịch”, ông Chris Ford, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách an ninh quốc tế và giải trừ vũ khí hạt nhân chia sẻ nhưng không nói rõ Mỹ đã thảo luận với những quốc gia nào ở Đông Nam Á.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Reuters đưa tin các tàu chở dầu của Nga đã cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên bằng cách bơm dầu qua các tàu ngay trên biển. Đây là hành động vi phạm lệnh cấm của LHQ. Vào thời điểm này, Washington cũng khẳng định có bằng chứng một số tàu thuyền của các nước bao gồm Trung Quốc đã chuyển dầu và than cho các tàu Triều Tiên. Phía Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc trên.
Đặc biệt theo một quan chức Mỹ, hoạt động chặn tàu và kiểm tra gần hải phận Trung Quốc có thể bị tránh và thay vào đó, Mỹ sẽ thông báo cho chính quyền Trung Quốc để kiểm tra.
“Không thể hoàn toàn ngăn chặn nhưng chúng ta cần cho Triều Tiên biết cái giá phải trả”, ông David Shear, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực châu Á dưới thời Tổng thống Barack Obama nói.