Kế hoạch mới của NATO sẽ không làm gì được Nga?
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tuần trước ở xứ Wales, các nhà lãnh đạo phương Tây đã chỉ trích Nga rất dữ dội vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Giới truyền thông cho hay Hội nghị lần này “căng thẳng nhất kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc”.
Tuy nhiên, những gì Ukraine và một số quốc gia Đông Âu, đang lo sợ Nga, có được lại rất ít ỏi.
Các nhà lãnh đạo Ukraine, Mỹ, Pháp, Anh, Hà Lan trong một cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Wales. |
NATO không hứa cung cấp thêm loại vũ khí nào đáng kể cho Ukraine mặc dù trước đó Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko liên tục kêu gọi phương Tây viện trợ vũ khí. NATO cũng không hề đưa ra cam kết ủng hộ việc Ukraine gia nhập tổ chức này.
Ba Lan và 3 quốc gia vùng Baltic là Latvia, Lithuania và Estonia đều yêu cầu NATO triển khai lực lượng quân sự thường trực. Tuy nhiên, các lãnh đạo NATO đã bác bỏ đề xuất trên vì cho rằng nó sẽ vi phạm thỏa thuận năm 1997 giữa Nga và NATO.
Thay vào đó NATO chỉ thông qua "Kế hoạch Sẵn sàng Hành động" để bảo vệ các quốc gia Đông Âu và Trung Âu bằng cách hiện đại hóa quân sự, triển khai các thiết bị và vật tư, luân phiên tuần tra trên không và tổ chức các cuộc tập trận chung thường xuyên tại đây.
Động thái lớn nhất mà NATO làm được tại hội nghị là thành lập một "mũi nhọn" với 5.000 binh sĩ có thể triển khai “bất cứ nơi nào trên thế giới" trong vòng một vài ngày để ngăn chặn những kẻ có âm ưu tấn công các nước thành viên NATO.
Các quan chức NATO cho biết "mũi nhọn" 5.000 nghìn binh sĩ trên cũng có thể triển khai cho các nhiệm vụ viễn chinh tại các khu vực không thuộc NATO.
Tuy vậy, những hành động như vậy sẽ phải nhận được sự nhất trí của Hội đồng NATO bao gồm 28 quốc gia. Ngoài ra, nhiều quốc gia thành viên còn có những hạn chế khi can thiệp quân đội ở nước ngoài. Ví dụ, quân đội Đức cần được quốc hội chấp thuận.
Đó là chưa kể đến việc, 5.000 quân là một con số quá ít ỏi, nhất là với quân đội hùng mạnh của Moscow. Hơn nữa, bất cứ nước thành viên nào của NATO cũng có đội quân mạnh hơn như vậy.
Reuters dẫn phát biểu của một quan chức quốc phòng tại Hội nghị thượng đỉnh NATO cho hay: “Chúng ta không thể giải quyết được những vấn đề đang tồn tại”.
Vùng xám
Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng vấn đề an ninh chính ở sườn đông NATO là sự mất ổn định ở những vùng xám giữa NATO và Nga chứ không phải là sự can thiệp trực tiếp của Nga vào lãnh thổ thuộc NATO.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã can thiệp quân sự vào Georgia năm năm 2008 và Ukraine trong năm nay và cũng có thể sẽ kích hoạt thêm nữa những vùng “xung đột đóng băng” để ngăn chặn những họ tiến gần hơn tới phương Tây.
Các biện pháp đang dùng có thể tác động đến nền kinh tế Nga nhưng nó không đủ để thuyết phục ông Putin từ bỏ học thuyết về “bảo vệ người dân nói tiếng Nga” bên ngoài lãnh thổ Nga.
Ông Michael O'Hanlon, một chuyên gia về an ninh quốc gia tại Viện Brookings ở Washington, nhận định quyết định ủng hộ lệnh ngừng bắn của ông Putin diễn ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO cho thấy, những đe dọa về việc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới với Moscow đã có tác dụng, ông Putin không muốn nền kinh tế Nga bị trừng phạt thêm nữa.
Tuy nhiên, ông O’Hanlon cho biết, hội nghị này cũng cho thấy NATO sẽ chẳng thể làm được gì nhiều để giúp Kiev lấy lại những khu vực đang bị ly khai chiếm giữ ở miền Đông Ukraine.
O'Hanlon nói: "Loại thỏa thuận ngừng bắn hiện giờ ở Miền Đông Ukraine ít nhiều cũng phù hợp với lợi ích an ninh của phương Tây, mặc dù Ukraine sẽ không nhận lại được Crimea hay tất cả khu vực miền Đông".
Một nhà ngoại giao cấp cao của NATO cho biết, phương Tây đang cố tránh một cuộc đối đầu quân sự vì về dài hạn, Nga đang bị suy giảm cả về kinh tế và chính trị cũng như nhân khẩu học.
Vị này nói: "Nếu đối đầu ngắn hạn, trong vài tháng hoặc vài năm, ông Putin sẽ nắm giữ nhiều quân bài, nhưng đó là những quân bài chiến thuật ngắn hạn, còn nếu đối đầu dài hạn, những cuộc đối đầu chiến lược hơn thì chúng tôi gần như có lợi thế hoàn toàn”.
Trong khi đó, nội bộ NATO vẫn có những chia rẽ về tình hình ở Ukraine. Trong khi một số kêu gọi phải có hành động đáp trả mạnh mẽ với Nga thì một số khác lại muốn xoa dịu tình hình hiện tại.
Các nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel không hề muốn đẩy NATO vào thế đối đầu quyết liệt với Nga như thời kỳ chiến tranh lạnh.
Thậm chí, ngay cả Mỹ dường như cũng thấy bất ổn ở Trung Đông là mối đe dọa lâu dài đối với an ninh phương Tây hơn cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Vì vậy, Washington đã sử dụng Hội nghị thượng đỉnh NATO để kêu gọi thành lập cái mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi là "liên minh cốt lõi” của 10 quốc gia để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ hãng tin Reuters của Anh, một trong những hãng tin lớn nhất thế giới.