Joshua Wong - Lãnh đạo phong trào biểu tình Hong Kong bị bắt
Phát ngôn viên của Liên đoàn sinh viên Hong Kong cho CNN biết Wong, 18 tuổi, hiện là lãnh đạo nhóm hoạt động trường trung học Scholarism; và Shum, Phó tổng thư ký của Liên đoàn sinh viên Hồng Kông, đã bị bắt sau khi cảnh sát và chấp hành viên tòa án đến dọn dẹp chướng ngại vật trên đường Nathan hôm thứ Tư (26/11).
Joshua Wong, lãnh đạo của nhóm học sinh trường Scholarism (ảnh trái) cùng với một hình ảnh của cảnh sát đàn áp vụ biểu tình ở Mong Kok, Thứ 4, ngày 26 tháng 11 |
Trước khi bị bắt, Shum nói với CNN rằng Shum kêu gọi người biểu tình ở lại trên các đường phố cho đến "phút giây cuối cùng": "Chúng tôi vẫn sẽ tiến hành hành động bất tuân dân sự của chúng tôi đến giây phút cuối cùng, cho đến khi bị cảnh sát bắt giữ".
Chấp hành viên được điều động tham gia dọn dẹp các trại biểu tình ở khu Mong Kok theo lệnh của tòa án. Hoạt động này được thực thi sau khi có khiếu nại rằng các cuộc biểu tình đã phá vỡ cuộc sống tại một số khu vực của thành phố trong gần hai tháng qua và gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của địa phương.
Cảnh sát cảnh báo rằng bất cứ ai cản trở công việc của chấp hành viên sẽ phải đối mặt với tội coi thường tòa án hoặc cản trở người thi hành công vụ.
Khi cảnh sát yêu cầu người biểu tình giải tán và không làm gián đoạn công việc dọn dẹp, một số người biểu tình đã hỗ trợ chính quyền tháo dỡ lều bạt. Một số người khác phản kháng và đã bị cảnh sát bắt giữ.
Hôm thứ Ba (25/11), nỗ lực của chính quyền nhằm dọn dẹp khu phố bị người biểu tình chiếm đóng ban đầu diễn ra một cách hòa bình. Một số người biểu tình cho biết họ sẽ di chuyển đến các khu lều trại khác trong hòa bình.
Tuy nhiên, khi số lượng người biểu tình gia tăng, cảnh sát chống bạo động đã được huy động và sử dụng dung dịch tương tự hơi cay phun về phía đám đông để đẩy lùi họ. Vụ việc này đã khiến cuộc đụng độ leo thang thành bạo lực.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát, thứ Tư ngày 26 tháng 11 năm 2014 |
Cảnh sát đã cảnh báo người biểu tình rút lui bằng các biểu ngữ có dòng chữ: "Nếu không dừng lại chúng tôi sẽ sử dụng vũ lực".
Khi nhận thấy tình hình leo thang nghiêm trọng, các nhà hoạt động đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để kêu gọi tiếp viện. Liên đoàn sinh viên Hồng Kông đã đăng tải một tweet với nội dung: "Chúng tôi đang rất cần hỗ trợ tại khu vực Mong Kok. Hãy mang theo mũ bảo hiểm, kính bảo hộ, ô dù, khăn và hãy cẩn trọng!"
Sáng thứ Ba (25/11), khi chấp hành viên thông báo dọn dẹp khu vực, những người biểu tình tham gia diễu hành kêu gọi phổ thông đầu phiếu và yêu cầu trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong, ông Lương Chấn Anh phải từ chức.
Trước khi thực hiện một chuyến thăm Hàn Quốc hôm thứ Ba, trưởng đặc khu Lương Chấn Anh cho biết ông tin tưởng rằng cảnh sát sẽ nhanh chóng xử lý tình hình ở Mong Kok và tuyên bố chính phủ vẫn sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối thoại về cải cách chính trị.
Ông Alice Tam, đại diện chi nhánh văn phòng Hoạt động công chúng của cảnh sát cho biết tính đến 6 giờ sáng thứ tư (26/11) theo giờ Hồng Kông, 116 người đã bị bắt giữ trong cuộc đối đầu ở Mong Kok. Các tội danh bị các buộc bao gồm chống người thi hành công vụ, hội họp trái phép, sở hữu vũ khí và tấn công cảnh sát. Trong khi đó, 20 sĩ quan cảnh sát bị thương sau vụ đụng độ.
Một sĩ quan cảnh sát cố gắng đàn áp người biểu tình tại một khu vực bị chiếm đóng ở quận Mong Kok của Hồng Kông, sáng thứ Tư ngày 26 Tháng 11 năm 2014 |
Người biểu tình ủng hộ dân chủ đã chiếm đóng một số khu vực của thành phố trong gần hai tháng, và duy trì một địa điểm biểu tình bên ngoài tòa nhà chính phủ ở Admiralty.
Mục đích chính của họ là kêu gọi phổ thông đầu phiếu. Họ muốn được đề cử các ứng viên cho cuộc bầu cử trưởng Đặc khu Hành chính của thành phố vào năm 2017. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho biết người dân Hong Kong sẽ chỉ được bỏ phiếu cho các ứng cử viên thuộc danh sách đã được ủy ban đề cử “thân Bắc Kinh” phê duyệt.
Hồi đầu tháng Mười, thời kỳ đỉnh điểm của cuộc biểu tình, hàng chục ngàn người tụ tập trên đường phố tại ba địa điểm. Nhưng khi cuộc biểu tình tiếp diễn thì con số này đã giảm đi.
Trong một cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên 513 người do Đại học Hồng Kông tiến hành, 83% người được phỏng vấn nêu ý kiến những người biểu tình ủng hộ dân chủ nên chấm dứt việc chiếm đóng trên các trục đường chính của Hồng Kông, trong khi đó chỉ có 13% trong số này cho rằng các cuộc biểu tình nên tiếp tục.
Trước khi bị bắt, Shum nói với CNN rằng Shum không có kế hoạch từ bỏ các cuộc biểu tình.
Shum cũng cho biết cá nhân những người biểu tình có quyền tự quyết định về việc có nên ở lại trên đường phố và đối mặt với bạo lực hoặc có nguy cơ bị bắt giữ hay không: "Tôi cho rằng đây là một quyết định mang tính chất cá nhân, bởi vì mỗi cá nhân phải tự đối mặt với hậu quả hành động của mình".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.