IS bị đẩy lùi ở Iraq và Syria nhưng vẫn tràn lan ở Libya
Các quan chức của 23 nước đã có mặt tại thủ đô Roma (Ý) để nhóm họp đánh giá chiến dịch chống lại phiến quân IS trong thời gian qua. IS đã chiếm lấy một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq, và nay đang lan sang các nước khác, cụ thể là Libya.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc họp thượng đỉnh tại Rome. |
Phiến quân IS đã tấn công các cơ sở khai tác dầu ở Libya, đồng thời giành được chỗ đứng tại thành phố Sirte và tận dụng khoảng trống quyền lực tại quốc gia này khi hai đảng đối lập đang tranh giành quyền điều hành đất nước.
“Tại Libya, chính phủ thống nhất vẫn chưa được thành lập”, ông Kerry phát biểu. “Đó là một quốc gia có tài nguyên trù phú. Chúng ta không thể để một tổ chức khủng bố cực đoan thu về hàng tỉ USD nhờ các mỏ dầu của Libya”.
Theo một kế hoạch chuyển giao quyền lực được Liên Hợp Quốc ủng hộ, hai phe cánh chính trị của Libya phải thành lập một chính phủ thống nhất, nhưng một tháng sau khi kế hoạch trên được hai bên thống nhất, xung đột nội bộ lại xảy ra.
Các nước phương Tây cũng đang xem xét tấn công các phần tử Hồi giáo tại Libya trong bối cảnh hàng ngàn người dân nước này đang vượt biển để vào châu Âu. Tuy nhiên, họ muốn có sự cho phép của một chính phủ hợp nhất trước khi hành động.
“Chúng ta vẫn chưa đạt được mục đích cuối cùng ở Syria hay Iraq, trong khi đó chúng ta đang phải chứng kiến IS lan sang các nước khác trên thế giới, cụ thể là Libya”, ông Kerry nói.
Tuy nhiên, ông Kerry khẳng định liên quân chống IS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng kể từ lần gặp mặt trước đó vào tháng 6/2015. “Vào thời điểm cuộc họp lần trước được tổ chức, thành phố Ramadi (Iraq) đã thất thủ và mối nguy cơ lớn đang xuất hiện, tưởng như bao trùm cả thế giới”, ông nói.
Ông cho biết, quân đội Iraq nay đã chiếm lại được thành phố, và từ đó đến nay IS đã mất khoảng 40% lãnh thổ ở Iraq và 20% địa bàn ở Syria.
Cuộc họp cấp cao tại Rome diễn ra cùng lúc các cuộc đàm phán tại Geneva đang diễn ra nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria, nay đã khiến ít nhất 250.000 người chết và khiến hơn 10 triệu người rời bỏ nhà cửa.
Cuộc họp tại Rome cũng đề cập đến vấn đề ổn định an ninh tại một số khu vực ở Iraq như thành phố Tikrit, ngoài ra còn bàn về những biện pháp nhằm cản trở nguồn tài chính, ngăn chặn các phần tử cực đoan nước ngoài gia nhập IS và đối phó với các hình thức tuyên truyền của tổ chức khủng bố.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.