Iraq thất thủ trước IS, Mỹ vẫn ngoan cố hay ảo tưởng?
Hôm 18/5, các quan chức tỉnh Anbar cho hay, thành phố Ramadi của Iraq đã rơi vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), nhiều thành viên thuộc các lực lượng vũ trang của chính phủ đã bỏ chạy.
IS cũng tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn Ramadi và chiếm luôn căn cứ của trung đoàn số 8 thuộc quân đội Iraq cùng nhiều xe tăng và súng phóng tên lửa bị quân đội bỏ lại.
Khói bốc lên từ thành phố Ramadi trong các cuộc giao tranh giữa IS và quân đội Iraq. |
Thủ tướng Haider al-Abadi ra lệnh cho binh lính không được rời khỏi vị trí và triển khai du kích Hồi giáo Shiite tới thành phố này hỗ trợ. Tuy nhiên, BBC dẫn lời một sĩ quan quân đội cho hay, hầu hết binh lính đã bỏ chạy tới một căn cứ quân sự ở thành phố Khalidiya phía đông Ramadi.
Cũng theo sĩ quan này, binh sĩ Iraq đã hết vũ khí và không thể đẩy lùi được các đợt tấn công ồ ạt của IS.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, trước đó, IS đã thực hiện khoảng 30 vụ đánh bom tự sát bằng xe để giành quyền kiểm soát Ramadi.
Các đoạn video được đăng tải trên các trang mạng xã hội cho thấy nhiều xe quân sự của chính phủ Iraq chở đầy binh sĩ tháo chạy khỏi Ramadi.
Người dân di tản khỏi Ramadi sau khi thành phố này rơi vào tay IS. |
Các nhà phân tích nhận định, Ramadi thất thủ là thất bại rất nghiêm trọng và đáng báo động của chính quyền Iraq và của Mỹ.
Theo một số chuyên gia, khi chiếm được Ramadi, IS sẽ nắm quyền kiểm soát một khu vực rộng lớn ở trung tâm tỉnh Anbar, tỉnh lớn nhất của Iraq. Tỉnh Anbar chiếm một phần lớn khu vực phía tây Iraq và có nhiều con đường quan trọng nối Iraq với Syria và Jordan. Theo nhiều nguồn tin, IS hiện đang kiểm soát hơn một nửa lãnh thổ Anbar.
Từ đây, các tay súng sẽ dễ dàng tiếp cận vùng ngoại ô phía tây thủ đô Baghdad.
Ông Zaineb al-Assam thuộc công ty phân tích rủi ro IHS Country Risk của Anh nhận định: "Những vùng lân cận như Baghdad hay Karbala sẽ bị đe dọa”.
Thủ tướng Iraq vẫn kêu gọi các binh sĩ giữ vững vị trí xung quanh Ramadi. |
Thất bại nặng nề trên khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama phải hứng chịu nhiều chỉ trích bởi lực lượng chính phủ Iraq bảo vệ Ramadi là lực lượng được Washington huấn luyện và hỗ trợ vũ khí.
Tuy nhiên Mỹ từ chối khẳng định việc Ramadi sụp đổ. Lầu Năm Góc cho rằng, mặc dù IS có lợi thế, nhưng hai bên vẫn đang tranh giành Ramadi và còn quá sớm để khẳng định IS đã chiếm được thành phố này.
Giới chức Iraq cũng tự tin cho rằng các lực lượng của chính phủ chưa thất bại hoàn toàn ở Ramadi và đang tập hợp để phản công lại.
Theo BBC, trước diễn biến bất lợi trên, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) đang xem xét biện pháp hỗ trợ thêm cho các lực lượng tại chỗ.
Phát ngôn viên NSC, ông Alistair Baskey, cho hay, có thể Mỹ sẽ đẩy nhanh việc huấn luyện và trang bị cho các bộ tộc địa phương cũng như hỗ trợ Iraq tiến hành chiến dịch chiếm lại Ramadi.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama trấn an chính phủ Iraq bằng cách tái xác nhận sự ủng hộ đối với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi.
Washington khẳng định sẽ đưa 1.000 vũ khí chống xe tăng đến Baghdad, Iraq vào tháng Sáu tới để đối đầu với các vụ đánh bom tự sát của IS.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey vẫn nhấn mạnh: "Bị đẩy lùi là điều đáng tiếc nhưng không phải là điều quá bất thường trong chiến tranh. Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để giành lại quyền kiểm soát thành phố".
Một quan chức Lầu Năm Góc cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng thất bại ở Ramadi không hề phơi bày điểm yếu chết người của lực lượng an ninh Iraq cũng như chiến lược của Mỹ.
Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn khẳng định, đã đến lúc chính quyền Obama phải có những chiến lược mới trong cuộc đối đầu với IS tại Iraq.
Nhà phân tích về Trung Đông Michael Pregent, đồng thời là một cựu quan chức tình báo Mỹ ở Iraq, nhận định, Iraq đang thổi phồng và phụ thuộc quá mức khả năng của lực lượng dân quân người Shiite.
Một quan chức quốc phòng giấu tên của Mỹ cũng cảnh báo, nhiều khả năng IS sẽ mở thêm các cuộc tấn công quy mô lớn khác trong bối cảnh tổ chức này sắp chuẩn bị một năm ngày thành lập.
Ngoài ra, theo hãng tin AP, thất bại ở Ramadi đã hé lộ những bất cập trong chính sách hiện tại của Mỹ tại Ira và quá trình tái cơ cấu quân đội cũng như các chiến dịch không kích của Mỹ sẽ không đủ khả năng để tiêu diệt IS.