Iraq: Quân nổi dậy chiếm vùng biên giới giáp Syria,
Theo hãng tin RT, hôm 21/6, hưởng ứng lời kêu gọi tổ chức một cuộc diễu binh của giáo sĩ đứng đầu dòng người Shiite tại Iraq, Moqtada al-Sadr, khoảng 50.000 binh sĩ đã tập trung tại thủ đô Baghdad mang theo nhiều loại vũ khí gồm súng trường Kalashnikov, súng bắn tỉa Dragunov, súng máy hạng nhẹ và súng phóng lựu.
Những người tham gia buổi diễu binh còn mang theo các tấm khẩu hiểu với dòng chữ: “Chúng tôi sẵn sàng hy sinh vì đất nước Iraq. Phản đối chủ nghĩa khủng bố. Không cần tới Mỹ”.
Các binh sĩ dòng Shiite tham gia diễu binh tạiNajaf hôm 21/6. |
Trong khi đó, các tay súng nổi dậy thuộc lực lượng tự xưng “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông” (ISIS) đã tổ chức nhiều đợt tấn công giao tranh với quân đội chính phủ và giành được quyền kiểm soát các thị trấn trọng điểm tại khu vực biên giới giữa Iraq – Syria.
Cuộc giao tranh đã cướp đi sinh mạng của 30 thành viên thuộc các lực lượng an ninh Iraq trong khi đó, những tay súng ISIS tấn công thị trấn al-Qaima và chiếm quyền kiểm soát dọc khu vực biên giới giáp Syria.
Việc ISIS giành được quyền kiểm soát nhiều khu vực quan trọng giáp biên giới với Syria đã giúp lực lượng này tiến gần hơn tới tham vọng thành lập một nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, trả lời hãng tin Reuters, cố vấn truyền thông cho chỉ huy lực lượng chống khủng bố Iraq, Sameer al-Shwiali cho biết thị trấn al-Qaim chưa rơi vào tay ISIS.
Thị trấn biên giới al-Qaim được đánh giá là tuyến đường cung ứng chiến lược do đó thất thủ tại khu vực này sẽ là tổn thất lớn đối với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki.
Trong khi đó, lực lượng ISIS lại đang lợi dụng cuộc nội chiến tại Syria để thu gom vũ khí và tuyển dụng hàng ngàn binh sĩ trên khắp thế giới. Một khi giành được quyền kiểm soát toàn bộ khu vực này, ISIS sẽ tạo lập một hành lang tự do để các tay súng Syria sang Iraq chiến đấu.
Để đối phó với sự lớn mạnh của ISIS, chính phủ Iraq đã chính thức đề nghị Nhà Trắng tổ chức các đợt không kích tại quốc gia này. Tuy nhiên, Nhà Trắng tuyên bố giải pháp quân sự không thể giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Iraq và Mỹ đang cân nhắc nhiều lựa chọn khác nhau.
Mỹ hiện đưa 300 nhân viên quân sự tới Baghdad để “đào tạo, cố vấn và hỗ trợ cho các lực lượng an ninh Iraq". Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lên tiếng chỉ trích việc giới lãnh đạo Iraq mà đặc biệt là Thủ tướng Al-Maliki đã phớt lờ những yêu cầu của dòng người Sunni, đẩy đất nước vào tình trạng bất ổn.
“Tôi nghĩ không có bí mật nào ở đây. Rõ ràng, Iraq đang lâm vào một cuộc khủng hoảng chia rẽ sâu sắc giữa các nhà lãnh đạo dòng Sunni, Shiite và Kurd”, ông Obama nhấn mạnh.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.