Iran tăng cường chạy đua vũ trang không gian mạng
Khả năng Iran coi cuộc chạy đua vũ trang không gian mạng là một "niềm tự hào quốc gia" |
Giới chuyên gia cho rằng Iran đang theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân trong bối cảnh các nhà lãnh đạo nước này lên tiếng đe dọa tấn công đáp trả Israel. Do đó, khả năng Iran sẽ khởi động cuộc chiến kỹ thuật số để đáp trả phe đồng minh phương Tây và Israel do áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt.
Austin Heap – giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Kiểm duyệt (CRC) cho rằng chiến tranh mạng ngày càng phức tạp trong bối cảnh thế giới đang dồn sự tập trung vào mọi động thái nằm trong chương trình hạt nhân của Tehran.
Mới đây, Iran đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc tình nghi liên quan tới hàng loạt các vụ tấn công mạng trong đó có việc làm lây lan một loại virus tới các máy chủ và xóa file dữ liệu trên 30.000 máy tính tại công ty dầu Aramco của Ả Rập Saudi. Từ lâu, lượng dầu do công ty Aramco khai thác đang trở thành nguồn cung cấp chủ yếu cho phương Tây sau khi hoạt động xuất khẩu dầu của Iran ngày càng sụt giảm do tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Chính loại virus này cũng đã phá sập các trang kết nối ngân hàng trên khắp nước Mỹ, ngăn cản hoạt động giao dịch trực tuyến.
Mặc dù không trực tiếp cáo buộc Iran là thủ phạm gây gián đoạn hoạt động của các ngân hàng Mỹ, song Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Leon Panetta đã gọi sự việc trên là "vụ tấn công phá hủy nghiêm trọng nhất cần được quan tâm" nhằm ám chỉ Iran "đang sử dụng những tiến bộ trong không gian mạng để làm vũ khí tấn công".
Năm 2010, các máy chủ tại Iran đã bị sâu máy tính Stuxnet tấn công và phá hủy gần 20% hệ thống máy li tâm hạt nhân của nước này. Trong đó, sâu máy tính Stuxnet bị tình nghi là "vũ khí hủy diệt" do Israel và Mỹ phát tán. Tuy nhiên, 2 vụ tấn công vào công ty Aramco và hệ thống ngân hàng Mỹ, được xem là đòn đáp trả thành công của Iran. Song, phía Iran đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên.
Mehdi Akhavan Beh-Abadi – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Không gian mạng quốc gia Iran cho rằng: "Mục tiêu chính của Mỹ là họ muốn biến mình thành nạn nhân của các vụ tấn công mạng".
Nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ bạo động tương tự như năm 2009, Iran đã dồn tiền đầu tư cho Đơn vị Cảnh sát mạng do Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran điều hành nhằm theo dõi mọi hoạt động truyền thông xã hội trong lãnh thổ nước này.
Lực lượng trên bao gồm 250.000 cảnh sát mạng thực hiện giám sát hoạt động Internet, trang mạng cá nhân, blog nhằm chặn đứng các âm mưu phá hoại.
Gần 76 triệu USD trong tổng số 11,5 tỷ USD đã được chuyển tới quỹ của tổ chức Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran nhằm chuẩn bị cho trận chiến với "những kẻ thù cũ nhưng sử dụng các chiến lược mới" – theo cách gọi của chính phủ Iran.
Chính phủ Iran đã cho thông báo kế hoạch trên từ hồi năm ngoái nhằm cắt đứt mối liên lạc giữa Iran và thế giới bên ngoài đồng thời cho chạy song song một mạng nội bộ, có khả năng tự động kiểm duyệt và khóa các trang tin phổ biến trên toàn cầu cũng như các công cụ tìm kiếm như Facebook, Google và Wikipedia.
Theo đánh giá của bà Heap, khoảng cách giữa cuộc chiến trên mạng và chiến trường sẽ nhanh chóng bị phá vỡ và "không ai có thể kiểm soát được các cuộc chiến trên mạng Internet".