Iran: Mỹ không đáng tin cậy
“Tôi đã nói ngay từ đầu năm nay (theo lịch Iran) rằng tôi không lạc quan về các cuộc thương lượng với Mỹ, mặc dù trong những năm qua tôi không ngăn cản việc thương lượng với họ về các vấn đề cụ thể như vấn đề Iraq”, ông Khamenei nói với các quan chức cấp cao Iran trong một bữa tối.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei dẫn đầu buổi cầu nguyện sau cuộc họp với các quan chức Iran như Tổng thống sắp mãn nhiệm Mahmoud Ahmadinejad (thứ 3 từ trái qua) và tân Tổng thống Hassan Rowhani (thứ 4 từ trái qua). |
Theo hãng tin AFP, hồi tháng Ba, ông Khamenei cho biết ông “không lạc quan” về triển vọng của các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tehran và Washington bên lề các cuộc thương lượng hạt nhân giữa Iran với các cường quốc thế giới.
“Người Mỹ khônng đáng tin cậy và họ không chân thành trong các cuộc đàm phán. Lập trường của các quan chức Mỹ trong những tháng qua một lần nữa lại khẳng định rằng chúng ta không nên lạc quan”, ông Khamenei nói tiếp.
Nhận định của ông Khamenei được đưa ra chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi các cựu quan chức và hàng chục nhà lập pháp Mỹ kêu gọi Tổng thống Barack Obama theo đuổi biện pháp ngoại giao với tân Tổng thống Iran Rowhani.
Trong một bức thư gửi tới ông Obama, các nhà cựu lập pháp Mỹ cho rằng việc ông Rowhani trở thành tổng thống Iran “đem đến một cơ hội rất lớn, đầy triển vọng”.
“Chúng tôi rất mong chính quyền tận dụng thời cơ này để theo đuổi các cuộc đàm phán đa phương và song phương với Iran ngay khi Rowhani nhậm chức và tránh bất kì hành động khiêu khích nào làm giảm cơ hội thực thi chính sách ôn hòa hơn đối với Tehran”, các nhà cựu lập pháp Mỹ viết.
“Trong khi tương tác với thế giới, anh phải có kĩ năng tiếp tục con đường đi của mình mà không để thế lực nào khác ngăn cản. Nếu không coi như anh thất bại”, ông Khamenei tuyên bố, ám chỉ tới các cuộc thương lượng về hạt nhân của Iran với các cường quốc trong tương lai sau khi ông Rowhani nhậm chức.
Ông Rowhani đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng Sáu vừa qua với lời hứa sẽ hợp tác với tinh thần xây dựng với cộng đồng quốc tế và giảm căng thẳng do tham vọng hạt nhân của Iran.
“Chính sách ngoại giao ôn hòa không có nghĩa là đầu hàng hay đối đầu mà là sự tương tác có tính xây dựng và hiệu quả với thế giới”, ông Rowhani từng khẳng định.