Indonesia triển khai máy định vị dưới nước, truy tìm QZ8501
Theo tờ The Guardian (Anh), trong cuộc họp báo tại sân bay Soekarno Hatta tại Jakarta, Trưởng ban Tìm kiếm và Cứu nạn Indonesia Bambang Soelistyo cho biết các cơ quan tìm kiếm đang sử dụng hệ thống định vị dưới mặt nước để truy tìm dấu vết của chuyến bay mất tích.
"Họ đang triển khai một hệ thống định vị dưới mặt nước. Hệ thống này có thể phát hiện những vật thể nằm dưới độ sâu 1.000 – 2.000 m", ông Bambang nói.
Lực lượng hải quân Indonesia tìm kiếm chuyến bay QZ8501 mất tích trên biển Java. |
Hiện nay, giới chức Indonesia hy vọng sẽ tìm thấy những mảnh vỡ từ chuyến bay QZ8501 trong trường hợp chiếc máy bay này rơi xuống biển. Một phần là vì, khu vực mà chiếc máy bay A320 mất tích khỏi màn hình radar nằm trong vùng nước nông với độ sâu khoảng 46 m trên biển Java thuộc khu vực phía tây Thái Bình Dương.
Chuyến bay QZ8501 của AirAsia đã mất liên lạc với kiểm soát không lưu từ lúc 7h24 sáng nay (28/12), sau khi cất cánh được 42 phút và đã ổn định ở độ cao 32.000 feet . Trước khi mất liên lạc, phi công của chuyến bay đã đề nghị được thay đổi lộ trình và tăng độ cao lên 38.000 feet vì lý do trời nhiều mây và thời tiết xấu.
Theo tính toán của các chuyên gia, chiếc máy bay QZ8501 chỉ có thể bay thêm được khoảng 4 giờ kể từ thời điểm mất liên lạc.
Trước đó, các lực lượng tìm kiếm và cứu hộ đã gặp phải vô vàn khó khăn trong công tác tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370 ở độ sâu khoảng 4.570 m trên Ấn Độ Dương. Độ sâu này lớn gấp 100 lần so với vùng biển mà lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm QZ8501. Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines trên chiếc Boeing 777-200ER chở 239 người đã biến mất khỏi màn hình radar một cách bí ẩn kể từ ngày 8/3 trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.
Theo đó, tất cả hệ thống thông tin liên lạc với mặt đất trên máy bay bị tắt trước khi chiếc Boeing 777-200ER chuyển hướng đến Ấn Độ Dương. Chính quyền Malaysia cho biết MH370 rơi ở vùng biển nam Ấn Độ Dương và không ai sống sót, nhưng đến nay, họ vẫn không thể tìm ra tung tích máy bay này.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh.