Indonesia - Philippines: Hình mẫu giải quyết tranh chấp Biển Đông
Giới chuyên gia nhận định kết quả đàm phán gần đây về phân định biên giới biển giữa Indonesia và Philippines là một bước tiến quan trọng cho hai thành viên thuộc khối ASEAN.
Bước ngoặt quan trọng này đạt được giữa lúc căng thẳng trên Biển Đông liên tiếp leo thang sau sự việc Trung Quốc di chuyển và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn 119 hải lý và gần quần đảo Hoàng Sa. Thậm chí, Bắc Kinh còn điều động một lực lượng tàu thuyền hùng hậu để bảo vệ hoạt động trái phép của Hải Dương-981. Nhiều lần tàu thuyền Trung Quốc đã cố tình áp sát, tấn công gây hư hỏng cho tàu chấp pháp của Việt Nam.
Tàu Trung Quốc bảo vệ hoạt động trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. |
Hành động trái pháp luật và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế bao gồm Mỹ.
Trên tạp chí The Diplomat, ông Arif Havas Oegroseno, Đại sứ Indonesia tại Bỉ, Luxembourg và Liên minh châu Âu (EU) đồng thời là Chủ tịch Đại hội lần thứ 20 của các quốc gia tham gia UNCLOS nhận định thành công trong các cuộc đàm phán giữa Jakarta và Manila đã đem lại những bài học quan trọng cho tất cả các quốc gia liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hiện nay.
Quyết tâm đàm phán
Năm 1994, Indonesia và Philippines bắt đầu đàm phán về phân định ranh giới biển tại khu vực chồng lấn thuộc Vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước ở biển Mindanao và biển Celebes. Tuy nhiên, tới năm 2003, tức là sau 9 năm, tiến trình đàm phán vẫn giậm chân tại chỗ.
Tháng 12/2003, ông Oegroseno được cử làm trưởng đoàn Indonesia đàm phán với phía Philippines. Năm 2010, ông chuyển sang Brussels (Bỉ) công tác. Người kế nhiệm đã tiếp tục đàm phán với Philippines đến khi hai nước ký kết hiệp định phân định ranh giới biển tại Manila hôm 23/5.
Cầu cảng trên biểnMindanao của Philippines. |
Các cuộc đàm phán về phân định biên giới đường biển đòi hỏi sự kiên nhẫn và quyết tâm. Ngoài ra, việc ký kết hiệp định phân định ranh giới biển còn mang ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi Indonesia và Philippines là hai quốc gia có những quần đảo lớn trên thế giới và là thành viên tham gia UNCLOS.
Tuy nhiên, qúa trình đàm phán giữa hai nước đã gặp phải trở ngại lớn là Philippines xác định chủ quyền lãnh thổ quốc gia dựa theo "Hiệp định Paris năm 1898" nhằm chấm dứt cuộc chiến giữa Tây Ban Nha – Mỹ.
Song, Indonesia đã không công nhận cách thức xác định chủ quyền của Philippines. Trong khi đó, do sức ép từ dư luận trong nước, Philippines vẫn khăng khăng giữ quan điểm. Nhưng, cuối cùng, họ đã chấp nhận thay đổi lập trường để phù hợp với UNCLOS.
Hai bài học kinh nghiệm giải quyết tranh chấp Biển Đông
Theo ông Oegroseno, 2 bài học kinh nghiệm từ hiệp ước phân định ranh giới biển giữa Indonesia và Philippines sẽ vô cùng hữu ích trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Thứ nhất, các nước cần công nhận văn bản luật phổ biến hiện nay để giải quyết các tranh chấp biên giới hàng hải là UNCLOS.
Philippines đã dựa vào các tài liệu lịch sử cách đây 115 năm (Hiệp định Paris năm 1898) để xây dựng tấm bản đồ hình hộp. Trong khi, Trung Quốc lại cho rằng bản đồ "đường chín đoạn" trên Biển Đông của quốc gia này được vẽ từ giữa những năm 1940.
Hành động đơn phương leo thang căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi vấn đề mang tính khu vực. |
Điều đó cho thấy tấm bản đồ hình hộp của Philippines và bản đồ "đường chín đoạn" của Trung Quốc cùng chung một đặc điểm là những tuyên bố mang tính đơn phương và không dựa trên luật pháp quốc tế. Do đó, cả Philippines và Trung Quốc đều phải điều chỉnh ranh giới lãnh thổ để phù hợp với UNCLOS.
Sự ra đời của bản hiệp định phân chia biên giới biển đầu tiên giữa Indonesia – Philippines cho thấy các tuyên bố bản đồ đơn phương trên những khu vực tranh chấp cuối cùng cũng phải điều chỉnh để phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thứ hai, các bên tranh chấp nên hợp tác vì lợi ích lớn hơn là bảo vệ môi trường biển và đảm bảo an ninh hàng hải.
Sự ra đời của hiệp định phân định biên giới biển Indonesia – Philippines là ví dụ điển hình cho thấy Đông Nam Á xây dựng nền văn hóa tuân thủ luật pháp quốc tế.
Do đó, những căng thẳng leo thang gần đây trên khu vực Biển Đông không chỉ còn được xem là vấn đề mang tính khu vực.Ông Oegroseno cho rằng các quốc gia liên quan tới tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đặc biệt là Trung Quốc – thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cần tuân thủ trách nhiệm pháp lý, chính trị và đạo đức nhằm tạo lập nền hòa bình và ổn định trên thế giới.
Ông Oegrosen còn nhấn mạnh châu Á có thể trở thành đầu tàu của thế giới trong việc ngăn chặn và dàn xếp các tranh chấp ranh giới. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được khi các bên đặt lợi ích chung là sự ổn định và an ninh khu vực lên trên những quan điểm quốc gia hẹp hòi.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Diplomat, tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.