Indonesia đình chỉ công tác nhân viên hàng không, áp dụng quy tắc mới
Bộ giao thông Indonesia đã tiến hành những biện pháp mạnh sau vụ tai nạn của máy bay QZ8501, khi bộ này đã đình chỉ công tác của một số nhân viên hàng không. Đồng thời, bộ này còn cho biết, các hãng hàng không sẽ buộc phải tuân theo với những thủ tục trước khi bay nghiêm khắc và yêu cầu các phi công cũng phải được thông báo thời tiết cùng với nhân viên phụ trách không lưu.
Ông Djoko Murjatmodjo, quyền Cục trưởng Cục Hàng không dân sự của Bộ Giao thông Indonesia cho biết, bộ này đã ban hành thông tư yêu cầu các hãng hàng không phải trực tiếp thông báo cho phi công về tình hình thời tiết trước khi bay. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 31/12, 3 ngày sau khi máy bay rơi.
Các binh sĩ Indonesia đang mang thi hài của một nạn nhân QZ8501 từ máy bay tìm kiếm. |
Ông Murjatmodjo cũng nói rằng bộ Giao thông nước này yêu cầu các phòng ban liên quan ở sân bay Surabaya đình chỉ hoạt động của các nhân viên kiểm soát không lưu, nhân viên điều phối sân bay đang trực vào thời điểm máy bay QZ8501 gặp nạn.
Cục trưởng Cục cảnh sát Indonesia, ông Sutarman tuyên bố rằng cảnh sát sẽ hỗ trợ Bộ giao thông và Hội đồng An toàn Giao thông Quốc gia trong việc điều tra tại nạn và tìm kiếm khả năng vi phạm luật hàng không Indonesia có thể của một số cá nhân. Theo đó, nhiều người sẽ được huy động và theo dõi hoạt động của máy bay từ lúc cất cánh cho đến khi gặp nạn. Trong khi đó, AirAsia đã từ chối bình luận.
Ông Murjatmodjo cho biết, trước đó, Giám đốc phụ trách hàng không ở sân bay quốc tế Surabaya, nơi chuyến bay xuất phát, bị phát hiện đã sử dụng thông tin sai lệch trong việc ra quyết định cho phép hãng AirAsia cất cánh vào ngày máy bay gặp tai nạn. Vào cuối tuần qua, các quan chức của bộ giao thông cho biết AirAsia không có giấy phép cất cánh chuyến bay Singapore – Surabaya vào ngày Chủ nhật.
Ông Hadi Mustofa Djuraid, một chuyên gia của Bộ Giao thông cho biết, Bộ trưởng Ignasius Jonan Monday đã ra văn bản hướng dẫn điều tra nội bộ đối với các văn phòng hàng không dân sự nhằm tìm ra được vị quan chức đã cho phép máy bay của AirAsia bay vào ngày không được phép. “Đây là một bước đi quan trọng cho thấy bộ không đơn giản chỉ coi đây là trách nhiệm của một mình AirAsia”, ông Djuraid nói thêm.
Hiện tại, nhiều hãng hàng không đã trực tiếp thông báo cho các phi công về tình hình thời tiết, nhưng đây không phải là hoạt động bắt buộc. Sau vụ tai nạn của máy bay QZ8501 vào ngày 28/12/2014, nhiều hãng tiết lộ rằng phi công đã tự tìm hiểu tình hình thời tiết từ cục khí tượng thủy văn của Indonesia. Sau vụ tai nạn, Bộ trưởng Ignasius Jonan chỉ trích hoạt động tự tìm hiểu thông tin là không đủ để chuẩn bị cho những biến đổi bất ngờ của thời tiết.
Máy bay QZ8501 đã biến mất trên biển Java khi đang tiến hành một chuyến bay từ Surabaya tới Singapore với 162 người có mặt trong điều kiện mây bão dữ dội. Ngày 5/1, bộ đã thông báo với các hãng hàng không rằng các phi công phải được thông báo thời tiết bởi một nhân viên điều phối chuyến bay.
Máy bay QZ8501 gặp nạn đã để lại nhiều những mất mát và đau thường cho nhiều gia đình. |
Cơ trưởng Didit Soerjadi, Giám đốc quản lý hoạt động của hãng PT Gatari Air Service cho biết, những yêu cầu mới này sẽ làm gia tăng chi phí của hãng hàng không do họ sẽ cần phải thuê thêm nhân viên điều phối. Ông cũng thừa nhận rằng một số phi công đã tự tìm hiểu thời tiết. “Anh có thể tưởng tượng rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu một hãng hàng không có 15 chuyến bay từ một sân bay nào đó diễn ra cùng một lúc và phải thông báo cho tất cả các phi công không?”, ông nói. Theo Soerjadi, với công nghệ hiện đại, phi công chỉ cần biết tình hình thời tiết qua iPad của mình.
Cơ trưởng Soerjadi nói rằng nhân viên điều phối chuyến bay không nhất thiết phải là cựu phi công, nhưng họ cần có giấy chứng nhận từ các trường huấn luyện đặc biệt ở Indonesia. Ông nói rằng, 75% giáo trình được dạy trong những trường này cũng tương tự như giáo trình được dạy cho phi công.
Chưa có điều tra viên nào khẳng định rằng điều kiện thời tiết là nguyên nhân của vụ tai nạn, tuy nhiên cục khí tượng thủy văn Indonesia đã gửi một báo cáo ghi rằng rất có thể máy bay gặp tai nạn do nước đóng băng. Các hãng khác có máy bay bay qua biển Java buổi sáng hôm ấy đã không gặp bất kỳ tai nạn nào.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Wall Street Journal (WSJ) là một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, xuất bản tại Thành phố New York, tiểu bang New York, Mỹ với lượng phát hành rất lớn trên toàn thế giới.