Indonesia chạy đua với thời gian tìm kiếm các nạn nhân sống sót
Theo Channel News Asia, tính đến thời điểm hiện tại, số người chết trong trận động đất mạnh 7,5 độ Richter ở ngoài khơi đảo Sulawesi (Indonesia) đã là 1.234 người, rất nhiều trong số này thiệt mạng do sóng thần. Các quan chức lo ngại rằng con số này vẫn có thể tiếp tục tăng lên.
Ảnh chụp từ trên cao của một huyện thuộc thành phố Palu, đảo Sulawesi (Indonesia) sau thảm họa. |
“Chúng tôi vẫn hi vọng số người chết không gia tăng”, ông Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên của Cục Khắc phục Hậu quả Thiên tai Quốc gia Indonesia cho biết. “Chúng tôi vẫn tiếp tục công tác cứu hộ nhưng lúc này toàn đội phải chạy đua với thời gian”.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi hỗ trợ cho công cuộc tìm kiếm những người còn sống sót, và ông muốn tất cả mọi người phải được tìm thấy. Ông Nugroho nói rằng các nhân viên cứu hộ đã tiếp cận 4 địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai, song ông từ chối không đưa ra ước tính thiệt hại về người mới nhất.
Trận động đất đã khiến nhiều khách sạn, trung tâm mua sắm và rất nhiều căn nhà ở thành phố Palu trên đảo bị sụp đổ, trong khi sóng thần đánh vào Sulawesi có lúc cao 6m, quét sạch mọi thứ trên đường đi.
Khoảng 1.700 căn nhà tại một khu dân cư đã bị lún sụt do đất bị hóa lỏng. Ước tính có tổng cộng hơn 65.000 căn nhà đã bị hư hại và hơn 60.000 người đã bị mất nhà cửa và cần sự giúp đỡ.
Trong lúc này, số lượng nhu yếu phẩm vẫn còn hạn chế. “Nhiên liệu và các đồ dùng khác hiện có rất ít”, ông Nugroho nói. “Chúng tôi cần rất nhiều lều bạt cũng như thực phẩm, đồ uống, nước sạch và đồ dùng vệ sinh”.
Chính phủ Indonesia đã yêu cầu hàng cứu trợ được vận chuyển bằng đường không, song trên đường phố Palu người dân đang ngày càng trở nên tuyệt vọng. Cảnh sát địa phương bất lực trước tình trạng hôi của và ăn cắp vặt, mặc dù chính phủ nói rằng các nạn nhân có quyền lấy những vật dụng họ cần và các cửa hàng sẽ được bồi thường.
Chính phủ Indonesia cho biết họ sẽ chấp nhận sự hỗ trợ từ nước ngoài sau khi đã từng khước từ sự trợ giúp vào đầu năm nay khi một trận động đất xảy ra trên đảo Lombok.
Ông Jens Laerke, phát ngôn viên của Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo (OCHA) của Liên Hợp Quốc cho biết: “Hiện thông tin về mức độ thiệt hại do thảm họa gây ra vẫn còn khá ít và rất khó để đưa hàng cứu trợ và nhân viên y tế đến những vùng bị ảnh hưởng”.
“Trong lúc rất nhiều người đã mất tài sản và nhà cửa của mình và những dịch vụ xã hội cũng bị cắt đứt, họ đang rất cần thực phẩm, nước uống, nơi tạm trú, hỗ trợ về y tế và tâm lý”, ông Laerke nói thêm.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới ông Widodo qua điện thoại. Bà nói thêm rằng Mỹ đã cung cấp tài chính, cử các chuyên gia khắc phục hậu quả thiên tai đến Indonesia và đang xem xét các hình thức giúp đỡ khác.
Nằm trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương, Indonesia từng rất nhiều lần phải hứng chịu những trận động đất và sóng thần trong lịch sử. Năm 2004, một trận động đất khổng lồ đã gây ra sóng thần ở Ấn Độ Dương khiến 226.000 người ở 13 quốc gia thiệt mạng, trong đó có 120.000 người ở Indonesia.
Ông Widodo nói rằng hệ thống cảnh báo sóng thần được thiết lập sau thảm họa này cần phải được sửa chữa và bảo dưỡng kỹ càng. Được biết hệ thống này đã không hoạt động từ năm 2012 tới nay.