IMF dự đoán cuộc khủng hoảng kinh tế “khốc liệt” nhất trong 100 năm qua
RIA đưa tin, nhận định trên của Giám đốc điều hành IMF bà Georgieva được công bố trên trang web của tổ chức.
IMF dự đoán cuộc khủng hoảng kinh tế “khốc liệt” nhất trong 100 năm qua. Ảnh: RIA. |
Sinh ngày 13/8/1953, nhà kinh tế học Kristalina Georgieva quốc tịch Bulgaria là con gái của một kỹ sư xây dựng. Bà có bằng tiến sĩ về khoa học kinh tế và bằng thạc sĩ kinh tế chính trị và xã hội học tại Đại học Kinh tế Quốc gia và Thế giới ở thủ đô Sofia của Bulgaria. Tại ngôi trường này, bà cũng đã được phong hàm Phó Giáo sư trong giai đoạn 1977 - 1993.
Nữ Tổng Giám đốc thứ 2 của IMF với bề dày kinh nghiệm đáng nể trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, được đánh giá sẽ tạo ra những màu sắc mới trong nhiệm kỳ 5 năm tới.
Theo ghi nhận của người đứng đầu IMF, vì đại dịch Covid-19 nền kinh tế buộc phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy từ trước đến nay. Covid-19 đã phá hoại trật tự kinh tế và xã hội với tốc độ nhanh chóng trên một quy mô không thể tưởng tượng được, bà Georgieva nói.
“Tuy nhiên, rõ ràng là tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 sẽ trở nên tiêu cực hơn. Trên thực tế, chúng tôi dự đoán sự suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1929”, bà Georgieva cho biết.
Theo bà Georgieva, suy thoái sẽ ảnh hưởng đến cả các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển. Cuộc khủng hoảng sắp tới xảy ra sẽ “không có giới hạn” và mọi người phải “chịu đựng” nó.
Đồng thời, bà Georgieva đự báo, nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát vào nửa cuối năm 2020, thì sự phục hồi kinh tế một phần có thể bắt đầu vào năm 2021.
Người đứng đầu IMF kêu gọi mọi người cùng nhau hành động. “Đây là mối “đe dọa” khiến chúng ta phải sử dụng các mặt mạnh nhất của nhân loại như: đoàn kết, can đảm, sáng tạo và từ bi. Chúng ta vẫn không hiểu nền kinh tế và cuộc sống sẽ thay đổi như thế nào, nhưng chúng ta biết rằng chúng ta sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng này”, bà Georgieva nhấn mạnh.
Nhiều nhà kinh tế của Phố Wall cũng chia sẻ dự. Goldman Sachs ước tính sản lượng kinh tế của Mỹ sẽ giảm 24% trong tháng 4-6 so với năm trước, riêng tỉ lệ thất nghiệp có thể đạt 9% trong những tháng tới. Capital Economics thì dự báo tăng trưởng của Mỹ trong quý 2 sẽ giảm 40%, thất nghiệp lên đến 12%.
Cũng theo cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger mới đây chia sẻ với tờ The Wall Street Journal, sự hỗn loạn chính trị và kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra có thể kéo dài qua nhiều thế hệ.
Ngoài ra, ông Kissinger còn gọi đại dịch Covid-19 là mối nguy hiểm chưa từng có về quy mô và mang tính toàn cầu.
“Hạnh phúc của nhân loại và sự thịnh vượng của các quốc gia, theo lời chính trị gia 96 tuổi, chỉ có thể với sự tin tưởng của người dân vào các chính phủ. Chính quyền cần phải dự đoán những rắc rối đang đến gần, khắc phục chúng, và sau đó khôi phục sự ổn định. Chìa khóa để chiến thắng không phải là đóng cửa và thực hiện những nỗ lực quốc gia thuần túy mà là sự hợp tác quốc tế”, ông Kissinger tuyên bố.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm, không chỉ cần chiến đấu chống lại dịch bệnh, mà còn phải làm việc để tạo ra trật tự thế giới thời kỳ “hậu Covid-19”.
Mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Roberto Azevedo cho biết trong cuộc họp báo ở Geneva, thương mại thế giới sẽ sớm có thể hồi phục trở lại mức trước khủng hoảng nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát sớm.
“Các nhà kinh tế của chúng tôi tin rằng nếu đại dịch được kiểm soát sớm và thực hiện đúng hướng, thì thương mại và sản xuất có thể trở lại quỹ đạo gần như trước khủng hoảng vào đầu năm 2021. Ngay cả khi sự suy giảm ban đầu đã mạnh mẽ như thế nào”, ông Azevedo nói. Tuy nhiên, WTO cũng tính toán các kịch bản khác, trong đó thương mại thế giới sẽ ở mức độ thấp hơn trước khủng hoảng.
Trước đó, trong bình luận gửi tới bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), bà Georgieva đã kêu gọi các nền kinh tế tiên tiến cung cấp thêm hỗ trợ cho các nước có thu nhập thấp, và IMF sẵn sàng huy động toàn bộ khoản cho vay trị giá 1.000 tỉ USD để chống dịch Covid-19. Theo bà Georgieva, gần 80 quốc gia trên thế giới đã đề nghị IMF viện trợ khẩn cấp để đối phó với đại dịch Covid-19.
Số liệu thống kê trên trang Worldometers cho thấy, tính đến ngày 10/4, trên thế giới đã có 1.604.718 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), bao gồm 95.735 ca tử vong. Đến nay, dịch bệnh đã xuất hiện ở 210 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.