IAEA thanh tra nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Khắc phục sự cố tan chảy lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi tháng 3/2011 |
Trong vòng 1 tuần, 13 thành viên thuộc nhóm chuyên gia của IAEA sẽ tiến hành giám sát các thủ tục được Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) áp dụng trong công tác sửa chữa, di dời những bộ phận hỏng hóc tại nhà máy Fukushima.
Ngoài giám sát hoạt động tái thiết tại nhà máy, các chuyên gia IAEA cũng sẽ lắng nghe báo cáo từ các quan chức cấp cao của TEPCO và giới chức đến từ Cơ quan Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Nhật Bản về công tác dọn dẹp cũng như những thách thức mà họ đang phải đối mặt.
Thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/3/2011 đã tàn phá toàn bộ khu vực phía đông bắc thủ đô Tokyo bao gồm nhà máy điện hạt nhân Fukushima, làm tan chảy 3 lò phản ứng. Đây là thảm họa rò rỉ phóng xạ tồi tệ nhất trong lịch sử loài người kể từ sau vụ nổ lò phản ứng tại nhà máy hạt nhân Chernobyl năm 1986.
Theo dự báo, quá trình tháo dỡ và dọn dẹp nhà máy điện hạt nhân Fukushima sẽ phải mất 40 năm. Trong thời gian tới, TEPCO sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn như nhanh chóng phát triển công nghệ robot làm nhiệm vụ di dời các thanh nhiên liệu bị tan chảy chứa hàm lượng phóng xa cao, đồng thời kiểm soát lượng phóng xạ mà các công nhân làm việc tại nhà máy không may bị phơi nhiễm.
Trong những tháng gần đây, nhà máy Fukushima cũng liên tiếp gặp phải sự cố như rò rỉ nguồn nước nhiễm xạ trong các bể chứa ngầm dưới lòng đất.
Thông báo trước giới báo chí, trưởng nhóm chuyên gia IAEA - Juan Carlos Lentijo cho biết các chuyên gia sẽ đánh giá những vấn đề nhà máy Fukushima đang phải đối mặt một cách cẩn thận, sau đó đưa ra lời khuyên về cho quy trình xử lý mà công ty TEPCO đang tiến hành.
Theo dự kiến, bản báo cáo sơ bộ thanh tra nhà máy Fukushima sẽ được nhóm chuyên gia IAEA đệ trình lên chính phủ Nhật Bản vào thứ Hai tới (22/4).
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị tàn phá nặng nề sau thảm họa động đất, sóng thần cách đây 2 năm, khiến các lò phản ứng tan chảy, phát tán hàng loạt phóng xạ nguy hiểm ra môi trường xung quanh, đất đai nông nghiệp nhiễm độc không thể tiếp tục hoạt động canh tác. Khoảng 19.000 người đã thiệt mạng, 160.000 người phải đi sơ tán cùng hàng trăm ngàn người mất nhà cửa sau thảm họa.