Huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông (Bài 1)
LTS: Nhằm kỷ niệm chiến thằng 30/4 lịch sử, tưởng nhớ công lao của các anh hùng, chiến sĩ đoàn “tàu không số”, khẳng định vị trí chiến lược, tầm quan trọng của Biển Đông với đất nước ta, được sự đồng ý của Trung tâm Thông tin Truyền thông vì Môi trường phát triển- Liên hiệp hội KHKT Hà Nội, Báo điện tử Infonet xin trích đăng nội dung cuốn sách “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển” do Nhà xuất bản Thông tấn xã Việt Nam ấn hành. Báo điện tử Infonet xin gửi lời cảm ơn đến cá nhân, tổ chức đã góp công sức viết nên cuốn sách vô cùng ý nghĩa này. Dưới đây là bài lược trích, tiêu đề do Infonet đặt.
Lịch sử hình thành đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông
... Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta, Mỹ - Diệm đã vứt bỏ mặt nạ “Thực thi dân chủ” thẳng tay đàn áp, khủng bố … Nhân dân ta ở Miền Nam không còn con đường nào khác hơn là phải vùng lên chống lại kẻ thù. Cuộc đấu tranh ngày càng phát triển sâu rộng và đặt ra những yêu cầu mới nhằm tiến tới phát triển phong trào đấu tranh vũ trang.
Thực tiễn nóng bỏng của cách mạng Miền Nam trong những năm cuối thập niên 50 đầu thập niên 60 của thế kỷ XX vừa là điều kiện, vừa đặt ra những yêu cầu bức bách đòi hỏi Đảng ta cần chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, tìm ra con đường đưa cách mạng Miền Nam tiến lên.
Từ yêu cầu đó, ngày 13 tháng 1 năm 1959 Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 đã xác định nhiệm vụ cách mạnh Việt Nam trong giai đoạn mới và vạch ra đường lối tiến lên của cách mạng Miền Nam, vạch ra mục tiêu và phương pháp cách mạng cũng như mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền Nam – Bắc nhằm tiến tới giải phóng Miền Nam, bảo vệ Miền Bắc, thống nhất đất nước… Trong nghị quyết, Đang ta dự kiến: “Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ giữa ta và địch. Đảng phải thấy trước khả năng ấy để chuẩn bị chu đáo và chủ động đối phó với mọi tình thế.”.
Nghị quyết 15 có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đáp ứng nguyện vọng bức thiết của đông đảo quần chúng và như một luồng gió mới thổi bùng ngọn lửa cách mạng Miền Nam vốn đang âm ỉ cháy. Tháng 1/1960 Bến Tre đồng khởi. Chỉ trong hơn một năm, Phong trào Đồng khởi đã lan rộng từ Nam bộ ra khu V, từ Tây Nguyên xuống đồng bằng. Phong trào ngày cảng chuyển mạnh sang thế tiến công: Từ 14-25/9/1960 tại 14 tỉnh Nam Bộ, cao trào đồng khởi đã phát triển rộng khắp khiến cho kẻ địch vô cùng hoang mang, nhưng chúng cũng điên cuồng không từ một thủ đoạn tàn ác nào để đàn áp những người yêu nước.
Sách Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển do Trung tâm thông tin truyền thông vì môi trường phát triển và dự án văn hóa Uống nước nhớ nguồn thực hiện và giới thiệu.
Chỉ đạo nội dung: Nhà thơ- Nhà báo Đoàn Mạnh Phương, Giám đốc Trung tâm Thông tin Truyền thông Vì môi trường phát triển, Giám đốc dự án Văn hóa Uống nước nhớ nguồn.
Ban biên tập và thực hiện nội dung: Đặng Đình Chấn, Nguyễn Khắc Thạch, Trần Miêu, Trần Anh Tuấn, Trần Văn Trường, Hoàng Việt Hùng, Phạm Thủy, Cao Ngọc Hà, Phạm Phương, Thanh Tâm, Văn Phong, Lê Minh Nguyệt
Cuốn sách Huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển |
Từ phong trào cách mạng sôi động ấy, ngày 20/12/1960, mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam ra đời tại Tây Ninh. Ngay sau đó, tháng 1/1961 Bộ Chính trị đã chỉ thị: “Tích cực tiêu diệt sinh lực địch, làm tan rã chính quyền và lực lượng địch trên phạm vi ngày càng rộng lớn…; tạo điều kiện và thời cơ thuận lợi đánh đổ chính quyền Mỹ- Diệm”.
Miền Bắc, sau Nghị quyết 15, tháng 2/1959 Tổng Quân ủy (tức đảng ủy quân sự Trung ương sau này) đã họp hội nghị mở rộng quán triệt Nghị quyết 15 và bàn về nhiệm vụ chi viện cho cách mạng Miền Nam và quyết định chuẩn bị đưa quân vào Miền Nam chiến đấu. Chấp hành Nghị quyết 15 của trung ương Đảng và nghị quyết của Tổng Quân ủy, cùng với việc đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng chính quy và từng bước hiện đại, việc chuẩn bị lực lượng và vật chất chi viện cho Miền Nam cũng được xúc tiến tích cực. Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, tháng 5/1959, Tổng Quân ủy quyết định lập một cơ quan nghiên cứu mở đường vận tải trên bộ để vận chuyển vũ khí, con người chi viện cho Miền Nam. Tháng 7/1959, Tổng Quân ủy quyết định tổ chức đường vận tải trên biển.
Con tàu không số đầu tiên
Sau một thời gian nghiên cứu, ngày 19/5/1959, Đoàn vận tải quân sự 559 được thành lập. Lực lượng nòng cốt đầu tiên của đoàn gồm 2 tiểu đoàn là tiểu đoàn 301 và tiểu đoàn 603. Trong đó, tiểu đoàn 301 vận tải đường bộ gồm 500 cán bộ chiến sỹ. Còn tiểu đoàn 603 gồm 107 cán bộ chiến sỹ ( lúc mới thành lập đóng quân ở thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch huyện Bố Trạch, Quảng Bình) với nhiệm vụ ban đầu là nghiên cứu thực hiện ý đồ của Tổng Quân ủy Trung ương nhằm thực hiện chi viện cho chiến trường bằng đường biển. Song, để giữ bí mật, tiểu đoàn mang tên “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”.
Biên chế của tiểu đoàn 603 gồm 2 đại đội: Đại đội do 1 trung úy Nguyễn Bất làm đại đội trưởng, trung úy Đông Yên làm chính trị Viên, đại đội 2 do trung úy Lê Quang làm đại đội trưởng và trung úy Trương Kia là chính trị viên. Tiểu đoàn gồm các đồng chí: Thượng úy Nguyễn long phụ trách công tác chính trị; đồng chí Đinh Trực phụ trách thuyền, buồm, dây, lưới; chuẩn úy Nguyễn Thái và Huỳnh Trác phụ trách đóng thuyền…
Để chuẩn bị cho việc vận chuyển vũ khí vào Nam, tiểu đoàn 603 đã khẩn trương cho đóng tàu thuyền. Những con tàu đầu tiên ấy được đóng ở HTX Trung Kiên (Nghi Lộc – Nghệ An). Trực tiếp về HTX Trung Kiên chỉ đạo việc đóng tàu khi đó là ông Trần Tấn Mới được Ủy ban thống nhất Trung ương cử về. Theo ông Nguyễn Gia In, chủ nhiệm HTX Trung Kiên cho biết thì HTX trực tiếp đóng 6 con tàu không số.
Thăm bia tưởng niệm "Tập đoàn đánh cá sông Gianh". Ảnh internet |
Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, chuyến vượt biển đầu tiên được thực hiện vào đêm 27/1/1960; địa điểm cập bến dự kiến là bến Hố Chuối đèo Hải Vân. Trên thuyền có 5 tấn vũ khí và 6 cán bộ chiến sỹ gồm: Đồng chí Nguyễn Bất là thuyền trưởng, đồng chí Trần Mức làm thuyền phó cùng 4 chiến sỹ là Huỳnh Ba, Nguyễn Sanh, Huỳnh Sơn và Nguyễn Nữ.
Thế nhưng, do chuyến chở vũ khí đầu tiên bằng đường biển của tiểu đoàn 603 (thực hiện vào đêm 21/1/1960) trên đường gặp gió to, sóng lớn thuyền bị chìm, các thủy thủ bị bắt (địch giam cầm mỗi người một nơi, sau đó 5 người lần lượt hi sinh hoặc bị mất do bệnh tật, chỉ còn đồng chí Huỳnh Ba là còn sống) chuyến đi không thành nên tiểu đoàn 603 phải tạm ngừng hoạt động để tìm phương thức vận chuyển mới.
Hồng Chuyên
(Lược trích)