Hủy du xuân, chấp nhận mất nhiều tiền vì lo sợ virus corona
Thông tin về virus corona đang khiến nhiều người dân lo lắng. Bên cạnh việc giữ vệ sinh, theo dõi sức khỏe thường xuyên thì nhiều gia đình cũng quyết định hạn chế đến chỗ đông người.
Vì vậy không ít chuyến du lịch dù đã đặt trước vé với số tiền hàng chục triệu đồng cũng bị hủy.
Trên nhiều diễn đàn du lịch, nhiều topic về việc băn khoăn, nghi ngại khi đi du lịch đã được mở ra. Đó là những gia đình tranh thủ thời gian đầu năm để đi dâng hương ở đền, chùa hoặc du xuân nhưng băn khoăn nên đi hay không vì tình hình lây lan của virus corona.
Các gia đình lo lắng về dịch viêm phổi Vũ Hán khi đi du lịch |
Hầu hết các gia đình đều nhận được lời khuyên nên hạn chế đi du lịch tại thời điểm này. Chị Phạm Thùy (SN 1997, Hà Nội) chia sẻ, vợ chồng chị vừa hủy tour du lịch đến Đà Nẵng từ ngày 28/1 đến 31/1.
‘Hai vợ chồng tôi tranh thủ thời gian nghỉ hiếm hoi nên đặt vé máy bay hết 5,3 triệu đồng và tiền khách sạn hết 3,8 triệu đồng cho 4 ngày 3 đêm ở Đà Nẵng. Tuy nhiên khi thông tin về dịch xuất hiện chúng tôi đã rất băn khoăn’. Cuối cùng họ đã quyết định hủy và dời kỳ nghỉ sang dịp 30/4 và 1/5 để đảm bảo an toàn.
Do hủy chỉ trước 1 ngày nên toàn bộ chi phí chị phải chịu mất tuy nhiên người phụ nữ này nói: ‘Đi du lịch trong tâm trạng bất an và lúc nào cũng kè kè cái khẩu trang trên mặt thì chúng tôi cũng không thể vui vẻ, thoải mái’.
Tương tự, nhiều du khách như gia đình chị Thùy cũng đã quyết định hủy chuyến du lịch ở phút cuối vì lo lắng.
Chị Thùy Linh - làm việc trong lĩnh vực lữ hành, du lịch ở Hà Nội, chia sẻ, thời gian gần đây nhiều khách đã chấp nhận mất tiền để hủy các chuyến du lịch.
‘Một gia đình ở Hà Nội đặt vé cho 10 thành viên đi du lịch vào mùng 2 Tết vừa rồi cũng phải hủy do lo lắng về thông tin virus corona. Gia đình này đi Đà Nẵng trong 4 ngày 3 đêm. Toàn bộ tiền khách sạn, máy bay… hết 31 triệu đồng đều không được hoàn lại do họ quyết định hủy tour quá muộn’, chị Linh thông tin thêm.
Tương tự tình cảnh chị Linh là gia đình anh Hoàng Lê (SN 1986, ở Hà Nội). ‘Công ty chúng tôi đầu năm đã lên kế hoạch đi chùa ở Quảng Ninh cho 20 người. Xe cộ và mọi thứ đã được thuê và chuẩn bị nhưng đến giờ tất cả đều quyết định hủy bỏ. Xuất hiện tại chùa chiền - chỗ đông người - vào thời điểm này là điều không nên’, anh Lê nói.
Đặc biệt trong đoàn của công ty anh Hoàng có gia đình đăng ký cho cả con nhỏ. Vì vậy họ đã quyết định hủy và dành việc dâng hương vào lần sau.
Người dân xuất, nhập cảnh được kiểm tra tại cửa khẩu |
Trước Tết Nguyên Đán Canh Tý, vợ chồng anh Tuyến (xã Hàm Minh, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cũng đặt vé về quê Hà Tĩnh vào ngày mồng 4 Tết. Anh Tuyến cho biết, gia đình anh đặt bốn vé máy bay cho vợ chồng anh và hai con với hơn 10 triệu đồng.
Theo lịch trình, vợ chồng anh sẽ di chuyển từ Bình Thuận đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) để về TP Vinh (Nghệ An) rồi quay lại Hà Tĩnh chúc Tết gia đình.
Đến ngày đi, anh Tuyến biết dịch viêm phổi corona đang bùng phát nên vô cùng băn khoăn. Vợ chồng anh Tuyến quê Hà Tĩnh, vào Bình Thuận lập nghiệp gần 20 năm. Hàng năm, cứ mồng 4 Tết là vợ chồng anh lại đi máy bay về quê chúc Tết ông bà, bố mẹ và tranh thủ du xuân.
‘Theo lịch trình, vợ chồng tôi sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều người khác nhau, tôi sợ nếu mình về quê dịp này sẽ dễ lây nhiễm loại virus đang bùng phát’, anh nói.
Cuối cùng, vợ chồng anh tự hủy chuyến bay và chấp nhận mất phí.
‘Theo tôi, sức khỏe và sự an toàn của cả gia đình là quan trọng, tiền mất cũng không sao. Bố mẹ tôi ở quê cũng gọi vào, khuyên vợ chồng chờ đến khi dịch bệnh giảm hẳn hẵng về’, anh Tuyến nói.
Trước tình hình Việt Nam có 5 người nhiễm virus corona, Bộ Y tế đã có khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona.
Khuyến cáo chung với người dân:
1, Tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.
2, Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm vào mắt, mũi miệng.
3, Khi ho, hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau sử dụng khăn giấy, hãy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay.
4, Nếu thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch, thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
5, Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín.
6, Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.
7, Đeo khẩu trang khi đi tới chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh.