Hungary đặt điều kiện tái hỗ trợ Ukraine
Ngoại trưởng Hungary Peter Siyarto |
Hôm thứ Hai (11/12), Ngoại trưởng Hungary Peter Siyarto cho biết, sau quyết định của Ủy ban Venice tại Hội đồng châu Âu về luật giáo dục của Ukraine, Hungary hy vọng Ukraine sẽ đáp ứng được ba điều kiện đưa ra.
Tờ Chân lý châu Âu dẫn lời ông Siyarto cho hay: "Hungary sẽ không thể ủng hộ những tham vọng của Ukraine trong chính sách đối ngoại cho đến khi nước này có thay đổi". Theo ông, nếu các nhà chức trách Ukraine nghiêm túc phấn đấu để hội nhập châu Âu, thì các hành động của họ phải đáp ứng với các kỳ vọng của EU và Ủy ban Venice.
Đồng thời, Budapest mong muốn Kiev đáp ứng được ba điều kiện sau: phía Ukraine cần đàm phán với các dân tộc thiểu số, không hạn chế các quyền hiện có và thực hiện đầy đủ các đề xuất của Ủy ban Venice. Ông cũng nhấn mạnh rằng Ủy ban "nhất quán khuyến cáo" chính quyền Ukraine sửa đổi các điều luật giáo dục về thiết lập ngôn ngữ giảng dạy.
Trước đó, Ủy ban Venice đã chính thức công bố quyết định về các điều khoản ngôn ngữ trong luật giáo dục mới của Ukraine. Quyết định chỉ ra rằng Kiev cần đưa thêm giáo dục bằng tiếng dân tộc thiểu số ở các trường tiểu học và trung học. Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Ukraine kêu gọi không nên suy diễn kết luận của Ủy ban Venice về Luật giáo dục và "dừng chính trị hóa" vấn đề này.
Luật giáo dục mới của Ukraine, với sự giảm thiểu đáng kể khả năng giảng dạy bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số, có hiệu lực vào ngày 28/9, và sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn cho đến năm 2020. Chính phủ của một số quốc gia tuyên bố, rằng luật này vi phạm quyền của các dân tộc thiểu số ở Ukraine. Moscow cũng tin rằng luật giáo dục vi phạm hiến pháp và nghĩa vụ quốc tế của Kiev.
Trước đó, ba quốc gia gồm Bulgaria, Hungary và Romania đã lên tiếng chỉ trích luật giáo dục mới này của Ukraine. Giới chức Bulgaria cho biết, khoảng 200.000 kiều dân nước này đang sinh sống tại các khu vực miền Nam, nơi tiếng Bulgaria được coi là ngôn ngữ thiểu số, sẽ bị tổn thương vì quyết định của chính quyền Ukraine.
Về phía mình, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary cũng đòi quyền tự do sử dụng tiếng mẹ đẻ đối với 150 nghìn kiều dân đang sinh sống tại Ukraine. Còn Tổng thống RomaniaTrayan Besesku yêu cầu chính quyền Kiev phải tôn trọng quyền của các dân tộc thiểu số, trong đó có cả người Nga và khoảng 400.000 người thiểu số gốc Romania.