Huế: ‘Lơ’ chỉ đạo phòng chống thiên tai, thủy điện Thượng Nhật còn chậm trễ đền bù
Không chỉ chống lệnh điều hành vận hành hồ chứa của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế) còn chậm trễ đền bù, hoàn trả đường dân sinh cho người dân.
Bị xử phạt 500 triệu đồng do chống lệnh điều hành vận hành hồ chứa
Trước và sau mưa bão số 13, Nhà máy thủy điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã không nghiêm túc chấp hành chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế; 2 lần không duy trì cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn, không tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, không tuân thủ theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để ứng phó với thiên tai.
Nhà máy thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép trong mùa mưa lũ bị phạt 500 triệu đồng. |
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã ký 2 văn bản gửi Bộ Công thương và Bộ TN&MT về việc đề nghị thu hồi giấy phép điện lực, xử lý vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép khai thác sử dụng mặt nước đối với Nhà máy thủy điện Thượng Nhật.
Đến ngày 26/11, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế bàn giao Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 500 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam (Chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Thượng Nhật ) do “không tuân thủ theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa, đập dâng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước và các trường hợp khẩn cấp khác”.
Trong quyết định xử phạt có tình tiết tăng nặng là "sau khi vi phạm, Nhà máy thủy điện Thượng Nhật đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm".
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đối với đơn vị chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật. |
Ngày 27/11, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) ban hành Quyết định về việc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của CTCP Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam với hoạt động phát điện Nhà máy thủy điện Thượng Nhật tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chậm đền bù giải phóng mặt bằng lòng hồ và trả đường dân sinh
Để xây dựng Nhà máy thủy điện Thượng Nhật với công suất 11 MW, đã có khoảng 187 hộ dân địa phương bị thu hồi diện tích rừng mà chủ đầu tư cần phải chi trả tiền đền bù hơn 22 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc chi trả đền bù khá chậm khiến người dân không hài lòng.
Theo báo cáo của UBND huyện Nam Đông, công tác đền bù lòng hồ thủy điện Thượng Nhật còn một số tồn tại đã được nhắc nhiều lần tại các biên bản làm việc giữa Sở Công Thương, UBND huyện Nam Đông, UBND xã Thượng Nhật và Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Miền Trung Việt Nam nhưng công ty không thực hiện. Cụ thể, hộ ông Hồ Văn Sỹ có 1 thửa đất 2.677,2m2 bị ảnh hưởng và Nhà máy thủy điện Thượng Nhật cho đó là diện tích đất ven sông suối, đất hoang hóa nên đề xuất hỗ trợ hơn 5,3 triệu đồng nhưng hộ gia đình không thống nhất.
Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam cũng có cam kết chi trả sớm cho hộ gia đình ông Hồ Văn Bí hơn 52,1 triệu đồng nhưng đến nay không trả. Bên cạnh đó, có 4 hộ dân có diện tích phát sinh thêm, Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Miền Trung Việt Nam vẫn chưa hợp đồng với đơn vị tư vấn để đo đạc diện tích.
Về đường dây, có 5 hộ chưa có phương án đền bù, 2 hộ dân nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng đường dây và 3 hộ nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng. Công trình đường mòn vùng Cha Lai (khoảng 15km) liên quan đến đất và tài sản trên đất của các hộ dân nên phía công ty đề xuất với UBND xã chủ trì việc mở đường nhưng đến nay UBND xã chưa triển khai.
Ngoài ra, còn một số kiến nghị của người dân về việc Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Miền Trung Việt Nam cam kết sẽ xây dựng hoàn trả lại tuyến đường bê tông dân sinh thôn A Tin trước ngày 31/12/2020, mở đường sản xuất từ ngầm tràn Ka Đầu vào vùng sản xuất Ma Rai (khoảng 1km) hiện công đang trong quá trình thi công, xây dựng ngầm tràn khe Ka Đầu đã đưa vào sử dụng nhưng công ty chưa thanh toán kinh phí cho đơn vị thi công số tiền 140 triệu đồng.
Trao đổi với PV, ông Lê Thanh Hồ, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, sau khi làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ Công thương ngày 18/11, Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam vẫn chưa có báo cáo hay kết luận từ đoàn kiểm tra đến UBND huyện Nam Đông để triển khai đền bù cho người dân.
“Lẽ ra Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam phải căn cứ vào kết luận của đoàn kiểm tra và báo cáo, phối hợp huyện Nam Đông những nội dụng nào cần khắc phục thì làm. Nhưng từ khi làm việc với đoàn kiểm tra xong thì Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam vẫn chưa làm việc với huyện Nam Đông”, ông Lê Thanh Hồ cho biết thêm.
Hà Oai