Huế: Ăn ruột cá chình om măng, 6 người nhập viện cấp cứu trong đêm
Sau khi ăn cá chình, 6 người dân phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bình Điền. |
Ngày 8/6, ông Nguyễn Ngọc Diễn - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, cơ quan đang tiến hành kiểm tra làm rõ vụ việc 6 người dân bị ngộ độc thực phẩm do ăn ruột cá chình.
Trước đó vào tối 5/6, gia đình ông Lê Huế (55 tuổi, trú thôn Đông Hòa, xã Bình Điền, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) chế biến và ăn một con cá chình biển (được một hộ dân ở Quảng Ngãi tặng) có trọng lượng 3,5kg. Ông Huế có mời thêm một số người là hàng xóm gần nhà đến cùng ăn.
Tại nhà ông Huế, khi ăn món cá chình, món ruột cá chình um măng, tất cả 6 người gồm các ông, bà: Lê Huế, Nguyễn Hợi (34 tuổi), Hồ Thị Điệp (52 tuổi), Lê Thị Nguyệt (40 tuổi), Lê Thị Thương (19 tuổi) và cháu Nguyễn Văn Nhật Luân (7 tuổi) đều trú tại thôn Đông Hòa, xã Bình Điền (thị xã Hương Trà) xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, tê cứng chân tay…
Ngay sau khi phát hiện bị các triệu chứng nói trên, khoảng 22h ngày 5/6, các nạn nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bình Điền và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế. Qua đó, các bác sĩ chẩn đoán cả 6 người bị ngộ độc thức ăn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Diễn, sau khi nhận được thông tin vụ việc Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm đã đến nhà của ông Huế kiểm tra mẫu vật, điều tra xác minh nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm và xử lý môi trường xung quanh.
Bước đầu xác định các nạn nhân bị ngộ độc là do ăn lòng cá chình om với măng chua. Có thể do ruột cá chình đã bị phân hủy hoặc do gia đình ông Huế đã không làm sạch ruột cá chình khi chế biến.
Đến ngày 8/6, sức khỏe của các bệnh nhân đã dần ổn định trở lại, 4 bệnh nhân được cho xuất viện, 2 người còn lại vẫn đang tiếp tục theo dõi, điều trị tại bệnh viện.
Ruột cá chình thường chứa thức ăn dư thừa lên men, chứa nhiều kim loại nặng có hại cho sức khỏe và người dân không nên ăn.