“Hợp đồng” EU - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đổ bể?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Thủ tướng Đức Merkel |
Ngoài các đòi hỏi về kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ mới đây lại lên tiếng đòi hỏi EU phải thực hiện quy chế miễn thị thực cho công dân nước này để đổi lại việc họ thực hiện các biện pháp ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp vào EU.
Theo Financial Times, đòi hỏi này của Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến các quan chức ngoại giao EU hết sức quan ngại.
Đòi hỏi EU thực hiện quy chế miễn thị thực cho công dân của mình được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ mới được tổ chức.
Theo đó, EU cần phải thực hiện quy chế này nếu như muốn Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các biện pháp có hiệu quả để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp vào EU.
Bản thân Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã tự tin tuyên bố với người dân Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ sẽ có thể “cầm hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ và đi đến bất cứ chỗ nào họ muốn”.
Tuy nhiên, các quan chức ngoại giao EU cũng lên tiếng tuyên bố rằng EU sẽ không bao giờ chấp nhận điều kiện này của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trả lời phỏng vấn của Financial Times, một quan chức ngoại giao cao cấp của EU nhấn mạnh rằng tình hình này “sẽ có kết cục tồi tệ, và những hậu quả tiêu cực sẽ không chỉ xảy ra đối với “hợp đồng” (ngăn chặn người nhập cư trái phép) giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ”.
Theo Financial Times, các quan chức EU đang tỏ ra hết sức phẫn nộ với yêu cầu mới của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Pháp F.Hollande có lẽ là người phản đối mạnh mẽ nhất yêu cầu này vì sợ nếu như chấp thuận yêu cầu này, ông Hollande sẽ phải đối mặt với sức ép “khủng khiếp” từ các lực lượng cánh hữu.
Ngoài ra, nếu chấp nhận phương án của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Hollande có khả năng sẽ bị mất đi uy tín trước cử tri Pháp và thất thế trước ứng cử viên N.Sarkozy (cựu Tổng thống Pháp) trong cuộc chạy đua vào Điện Elysee khi bầu cử Tổng thống Pháp đã đến gần.
Bản thân ông Sarkozy là người phản đối mạnh mẽ khả năng Pháp miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và quan điểm này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri Pháp. Do đó, ông Hollande sẽ không dám mạo hiểm chấp nhận yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo nhận định của Mark Perini, cựu đại sứ EU tại Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp chắc chắn sẽ không chấp nhận phương án của Thổ Nhĩ Kỳ khi các cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 đang đến gần.
Các đảng phái chính trị của Đức cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ đòi hỏi trên của Thổ Nhĩ Kỳ. Các đảng phái lớn của Đức là đảng “Liên minh xã hội-Thiên chúa giáo” và “Đảng Dân chủ-Xã hội”, hai đảng trong liên minh cầm quyền Đức, đã trực tiếp lên tiếng yêu cầu Chính phủ Đức không chấp nhận đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nghị viện châu Âu, cơ quan có chức năng phê chuẩn quyết định về quy chế miễn thị thực, cũng bày tỏ quan ngại trước đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo lãnh đạo của đảng có nhiều ghế nhất trong Nghị viện châu Âu là “Đảng nhân dân châu Âu” Manfred Veber, hậu quả nếu như EU chấp nhận đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là rất lớn.
Cụ thể, theo Manfred Veber, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là quốc gia an toàn và không đủ tin cậy để hợp tác về pháp lý.
Trong khi đó, Brussels khẳng định rằng để có thể được EU ban hành quy chế miễn thị thực, Ankara cần phải thực hiện đủ 72 tiêu chí mà hiện Thổ Nhĩ Kỳ mới thực hiện được một nửa số tiêu chí này.
“Ý tưởng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được nhận quy chế miễn thị thực, đơn giản là không thể xảy ra. Đó là điều không hề đơn giản như họ nghĩ”- quan chức cao cấp của Brussels nhấn mạnh với Financial Times.
Theo nhận định của giới phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra yêu cầu trên là do dường như nước này đã nắm được điểm yếu của EU. Hiện EU rất cần đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép từ châu Á (Trung Đông) và châu Phi sang châu Âu thông qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Do đó, nước này đã liên tục đưa ra các yêu sách đối với EU để Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện mong muốn của EU.
Các động thái gia tăng yêu sách đối với EU của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua có thể kể đến như liên tục yêu cầu EU gia tăng gói hỗ trợ kinh tế.
Theo thỏa thuận ban đầu, EU sẽ cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỷ Euro để chi cho các hoạt động, biện pháp giữ chân dòng người di cư bất hợp pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ, chờ cho đến khi chiến sự tại Syria được giải quyết xong để đưa số người này quay trở lại Syria.
Sau khi thỏa thuận xong, Thổ Nhĩ Kỳ lại yêu cầu EU nâng mức hỗ trợ lên 5 tỷ Euro và tại Hội nghị Thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ mới được tổ chức, Thổ Nhĩ Kỳ lại yêu cầu EU nâng con số này lên mức 20 tỷ Euro.
Giới phân tích nhận định rằng EU lần này sẽ khó có thể chấp nhận đòi hỏi quy chế miễn thị thực của Thổ Nhĩ Kỳ. Một trong những nguyên nhân chính là nếu yêu cầu này tiếp tục được đáp ứng, không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đưa ra các yêu sách mới.
Hơn nữa, nếu như miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ thì không loại trừ các phần tử Hồi giáo cực đoan sẽ có cơ hội thuận lợi để gia tăng các hoạt động khủng bố tại châu Âu.
Tuy nhiên, nếu không chấp thuận yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều khả năng “hợp đồng” giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị đổ bể. Rõ ràng, EU lại tiếp tục rơi vào thế bí trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ RIA Novosti, một trong những hãng tin lớn nhất tại Nga, đặt trụ sở chính tại Moscow và hơn 80 văn phòng trên khắp thế giới.