Hong Kong hoãn thi hành vô thời hạn dự luật dẫn độ sau 1 tuần biểu tình dữ dội
Trong một cuộc họp báo diễn ra ngày 15/6, sau ba ngày im lặng, bà Lam cho biết bà đã “làm hết khả năng của mình” nhưng thừa nhận rằng dự luật “đã gây ra những bất đồng lớn” trong xã hội. Bà nói thêm, quá trình xem xét áp dụng dự luật này đã được ngừng lại vô thời hạn để cho phép chính quyền tiếp nhận ý kiến của người dân Hong Kong.
Chính quyền Hong Kong đã tuyên bố hoãn xem xét dự luật dẫn độ vô thời hạn sau một tuần biểu tình dữ dội trên đường phố. |
Mặc cho tuyên bố của bà Lam, một cuộc biểu tình lớn vẫn sẽ được tổ chức vào ngày 16/6 tới khi những người biểu tinh tin rằng chính quyền Hong Kong đang tìm cách cứu mình khỏi sự bẽ mặt cũng như giảm bớt những tiếng nói phản đối từ phe đối lập.
“Bà Lam đang tìm cách kéo dài thời gian cho mình cũng như những người bạn thân Bắc Kinh của bà”, ông Kenneth Chan, một giáo sư của một trường đại học ở Hong Kong cho biết.
Một số nguồn tin cho biết bà Lam chỉ có ý định trì hoãn xem xét chứ không bãi bỏ hoàn toàn dự luật này, với hi vọng rằng thời gian và những ý kiến có lợi có thể thu được trong tương lai sẽ khiến phe đối lập mất đi ảnh hưởng của mình.
“Ý định của chính quyền đó là tìm cách giảm bớt số người có mặt trong các cuộc biểu tình, và sau đó sẽ tìm một thời điểm thích hợp để tìm cách thông qua dự luật này, rất có thể là sau cuộc bỏ phiếu diễn ra vào tháng 11 năm nay, khi học sinh, sinh viên phải trở lại trường để học tập”, ông Chan cũng nói thêm.
Hong Kong đã rơi vào tình trạng khủng hoảng sau khi chính quyền thành phố tìm cách áp dụng dự luật dẫn độ người dân về Trung Quốc xét xử. Hàng trăm ngàn người biểu tình đã đổ xuống các con phố lớn để phản đối dự luật này, và những hành động bạo lực của cảnh sát để trấn áp biểu tình và sự cứng rắn từ phía chính quyền Hong Kong càng khiến dư luận phẫn nộ.
Cuộc biểu tình cũng tạo được sự chú ý của nhiều nơi trên thế giới, cụ thể là ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khen ngợi những người tham gia biểu tình và cảnh báo các quan chức Hong Kong rằng “thế giới đang dõi theo các người”.
Việc bà Lam quyết định trì hoãn xem xét thực thi dự luật dẫn độ vẫn có thể coi là một bước đột phá lớn, khi vài ngày trước bà vẫn lên tiếng chỉ trích người biểu tình và khẳng định sẽ theo đuổi việc áp dụng dự luật này đến cùng.
Trong khi đó, phe đối lập tin rằng quyết định này thực chất là một sự rút lui có chiến lược nhằm kéo dài thời gian để làm những người phản đối mất tinh thần. Ông Baggio Leung, một chính trị gia và là nhà hoạt động xã hội Hong Kong nhận định: “Tôi nghĩ chính quyền đang tìm cách kìm hãm phong trào phản đối”.
Ông nói thêm rằng cuộc biểu tình ngày 16/6 vẫn sẽ được tổ chức và phong trào này sẽ còn tiếp tục cho đến khi dự luật dẫn độ bị bác bỏ hoàn toàn, song ông lo ngại rằng chính quyền Hong Kong sẽ tiến hành bắt giữ hàng loạt người tham gia biểu tình.
“Chúng tôi kêu gọi không được áp dụng dự luật dẫn độ cũng như không được bắt giữ người phản đối”, ông nói. “Chúng tôi lo ngại họ sẽ buộc tội rất nhiều người để răn đe dư luận”.
Những người phản đối dự luật tin rằng nó sẽ khiến nền kinh tế và đời sống xã hội Hong Kong bị tác động tiêu cực, khi không chỉ người dân Hong Kong mà cả những người nước ngoài có thể bị bắt giữ và đưa đến Trung Quốc xét xử một cách thiếu công bằng.