Hồn nhiên rạp cưới giữa đường
Ảnh minh họa: Internet |
Thông thường gia chủ bắc rạp từ trước hôm cưới chính một ngày. Mà không chỉ có mỗi rạp cưới, nhà nào cũng kèm theo một vài khoang nhỏ làm…bếp và cơi nới thêm một số diện tích để trông giữ xe. Nhà trong ngõ thì cơ bản rạp cưới “nuốt" gọn cả ngõ. Gia chủ chỉ cần làm biển chỉ dẫn: “Nhà có đám cưới, vui lòng đi lối khác”, thế là nhất nhất xe đạp, xe máy đều…quay đầu. Nhà mặt đường thì vỉa hè và một nửa, thậm chí 2/3 lòng đường được chưng dụng làm rạp cưới. Ở những đoạn đường hẹp, có đám cưới chỉ dành cho người qua đường một lối nhỏ, đủ để xe máy lách qua. Đương nhiên khi đi dự những đám cưới ở lòng đường như vậy, khách vừa ăn cỗ vừa lo xe cộ qua lại, ngộ nhỡ lái xe quá ga, phóng nhanh, tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi. Với khách qua đường thì vừa được nghe hát bất đắc dĩ (vì nhà nào cũng mở đầu đĩa công suất lớn, có nhà còn thuê cả “nhạc sống”), vừa được thưởng thức mùi vị xào nấu của đám cỗ toả ra từ những chiếc bếp di động vỉa hè, lại còn ra sức tránh người, tránh xe đi dự tiệc.
Vẫn biết hiếu, hỷ là việc trọng đại của mỗi gia đình. Và đương nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để tổ chức đám cưới ở nhà hàng, khách sạn, nhưng bắc rạp cưới lấn chiếm hết vỉa hè, lòng đường là điều đáng chê trách, ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông. Ở nhiều tổ dân phố có nhà văn hoá rộng, khang trang, một số gia đình đã báo cáo chính quyền và tổ chức cưới lễ cưới tại đấy, được nhân dân hết sức khen ngợi. Hoặc ở những khu đất mới, gia chủ “đánh tiếng” với chủ lô đất trống bên cạnh mượn làm rạp cưới, cũng rất thuận tiện và không ảnh hưởng tới đường sá công cộng.
Thiết nghĩ, ở đây, vai trò của đồng chí bí thư chi bộ và tổ trưởng tổ dân phố là hết sức quan trọng trong việc nhắc nhở, đề nghị các gia đình có công có việc, đặc biệt là việc vui tuân thủ những quy định chung, tôn trọng cộng đồng và không làm ảnh hưởng đến bộ mặt văn minh đô thị của thành phố.
Hương Thu/Báo Bắc Giang