Hơn mười lần tái bản, sách giáo khoa Ngữ văn 8 vẫn “làm mất” thơ của tác giả Đoàn Văn Cừ
Từ năm 2004 đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã “gắn” tên nữ sĩ Anh Thơ với tác phẩm “Tết quê bà” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ.
Trong Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình Hoài Thanh viết: “Nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi nghĩ đến Tết. Cái tên Đoàn Văn Cừ trong trí tôi đã lẫn với bánh chưng, mùi thuốc pháo, vị mứt gừng”.
Có thể nói, với việc tái hiện cảnh sinh hoạt ngày Tết trong Phong trào Thơ mới, khó ai có thể vượt qua được bậc thầy Đoàn Văn Cừ (1993 – 2004). Những “bức tranh” Tết bằng ngôn từ của ông được đông đảo độc giả yêu thơ biết đến như: Nắng xuân, Mùa xuân, Năm mới, Tết, Chơi xuân, Chợ làng vào xuân, Chợ tết, Tết quê bà, Đám cưới mùa xuân, Đám hội.
Khổ đầu bài thơ "Tết quê bà" trong SGK Ngữ văn 8 |
Trong đó, bài thơ Tết quê bà với những câu thơ mang đậm phong cách, mang đậm “chất” Đoàn Văn Cừ: “Bà tôi ở một túp nhà tre/ Có một hàng cau chạy trước hè/ Một mảnh vườn rào bên giậu nứa/ Xuân về hoa cải nở vàng hoe/ Gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng/ Cả đêm cuối chạp nướng than hồng/ Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn/ Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông”.
Bài thơ ra đời năm 1941, năm 1944 được đưa vào tập Thôn ca, tới năm 2013 Nhà xuất bản (NXB) Hội nhà văn đưa vào Đoàn Văn Cừ toàn tập.
16 năm qua, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn để tên nữ sĩ Anh Thơ là tác giả của tác phẩm do nhà thơ Đoàn Văn Cừ sáng tác |
“Thi sĩ đồng quê” Đoàn Văn Cừ mất năm 2004, cùng năm đó, sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn 8 (do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành) đã dẫn bốn câu thơ đầu của bài Tết quê bà vào bài “Hoạt động Ngữ văn: Làm thơ bảy chữ” (từ trang 164 đến trang 167 - ở phần hướng dẫn đọc tham khảo thể thơ 7 chữ 8 câu), nhưng lại đề tên tác giả là nữ sĩ Anh Thơ (sách ghi: Anh Thơ, Tết quê bà)
Đáng nói, sự nhầm lẫn này kéo dài mãi từ năm 2004 đến nay. Ở lần tái bản gần nhất, phục vụ năm học 2020 - 2021, trang 165 SGK Ngữ văn 8 vẫn ghi Tết quê bà là của nữ sĩ Anh Thơ.
Theo www.phunuonline.com.vn