Hơn 1 nửa dân số mắc bệnh 'khó nói' này, đâu là dấu hiệu bạn phải tới viện ngay
Ảnh minh họa. |
Trĩ có gây ung thư không?
Theo thạc sĩ Phạm Phúc Khánh - Trung tâm hậu môn trực tràng và tầng sinh môn – Bệnh viện hữu nghị Việt Đức cho biết tại Việt Nam thường có tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh trĩ nhiều hơn những nước Âu Mỹ. Hầu hết tất cả những bệnh nhân mắc bệnh trĩ đều chịu đựng một thời gian rất lâu trước khi tìm kiếm sự hỗ trợ của bác sỹ chuyên khoa.
Bác sĩ Khánh cho biết tùy thuộc vào vị trí của búi trĩ người ta chia làm 2 loại: trĩ ngoại và trĩ nội.
Trĩ ngoại (nằm bên ngoài hậu môn) phát triển ngay gần rìa hậu môn và được phủ bởi lớp da rất nhạy cảm của vùng rìa hậu môn. Chúng thường không đau. Tuy nhiên nếu hình thành cục máu đông (trĩ tắc mạch) nó sẽ rất đau và tạo thành khối cứng chắc. Trĩ ngoại cũng có thể chảy máu nếu nó bị vỡ ra.
Trĩ nội (nằm phía trong hậu môn) thường không đau; chảy máu, thòi trĩ ra ngoài khi đại tiện là những triệu chứng thường xuất hiện. Tuy nhiên nó có thể rất đau nếu búi trĩ nội bị sa ra ngoài hoàn toàn, từ phía trong hậu môn thòi ra ngoài lỗ hậu môn và không thể ấn lại được vào trong (búi trĩ bị nghẹt).
Nguyên nhân chính xác gây nên bệnh hiện nay chưa được xác định rõ. Và thường được phát triển ở những bệnh nhân có các yếu tố thuận lợi mà làm tăng áp lực trong trực tràng gây chèn ép vào hệ thống tĩnh mạch vùng hậu môn, làm cản trở máu tĩnh mạch trở về và do đó máu tĩnh mạch đọng lại và tĩnh mạch giãn ra tạo thành búi trĩ. Búi trĩ này sẽ to dần lên và thòi ra ngoài nếu những yếu tố này tiếp diễn.
Bác sĩ Khánh cho biết, nhiều bệnh nhân thường hỏi bác sĩ, trĩ có gây ung thư không? Hiện nay, bệnh ung thư và bệnh trĩ không có mối liên quan. Tuy nhiên những triệu chứng của bệnh trĩ, đặc biệt là đại tiện máu là dấu hiệu giống với bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng và 1 số bệnh đường tiêu hóa khác.
Điều trị trĩ như thế nào?
Bác sĩ Khánh cho biết với những bệnh nhân bị trĩ nặng có thể điều trị bằng phẫu thuật. Hiện nay có các phương pháp điều trị như thắt trĩ bằng vòng cao su – có hiệu quả đối với búi trĩ nội nhỏ và sa ra ngoài khi đại tiện (độ I,II). Một cái vòng cao su nhỏ được đặt vào gốc búi trĩ, ngăn cản máu vào búi trĩ và cắt đứt búi trĩ. Búi trĩ và vòng cao su sẽ rụng và rời ra ngoài trong khoảng vài ngày. Vết thương thường sẽ liền sau đó 1-2 tuần. Thủ thuật này thỉnh thoảng gây cho bệnh nhân khó chịu, hoặc chảy ít máu, và thường phải thực hiện nhiều lần để đạt được kết quả điều trị tốt.
Tiêm xơ búi trĩ – có thể được sử dụng ở những búi trĩ chảy máu và thường không thòi ra ngoài khi đại tiện (trĩ nội độ 1). Phương pháp này thường không đau và nó làm cho búi trĩ xơ cứng lại.
Mổ trĩ bằng máy cắt nối – kỹ thuật mổ này sử dụng máy cắt nối đặc biệt cắt và nối niêm mạc vùng hậu môn trực tràng. Phương pháp này giúp búi trĩ được kéo lên vào trong hậu môn, và teo dần đi, nó không thể cắt bỏ những búi trĩ ngoại. Phương pháp này thường đau hơn là thắt vòng cao su hay tiêm xơ, nhưng lại ít đau hơn nhiều so với phương pháp cắt trĩ cổ điển.
Cắt trĩ – phẫu thuật cắt bỏ những búi trĩ – là phương pháp có thể cắt bỏ triệt để cả trĩ nội và trĩ ngoại. Phương pháp này được chỉ định khi các cục máu đông hình hành liên tục trong búi trĩ ngoại (tắc mạch), thất bại điều trị bằng phương pháp thắt vòng cao su. Trĩ sa ra ngoài nhiều gây cản trở sinh hoạt, không đẩy lại vào trong được (trĩ độ III,IV). Trĩ chảy máu nhiều, mà điều trị nội khoa và thủ thuật thất bại.
Phẫu thuật cắt trĩ – cắt bỏ những phần mô, búi trĩ gây chảy máu, và thòi ra ngoài. Tùy vào điều kiện của từng cơ sở y tế mà có thể dùng những loại dụng cụ khác nhau để thực hiện phẫu thuật. Phẫu thuật thường được thực hiện khi bệnh nhân được gây tê (tê tại chỗ, tê tủy sống) hoặc gây mê.
Bác sĩ Khánh khuyến cáo thêm khi người bệnh xuất hiện những dấu hiệu như chảy máu khi đại tiện; xuất hiện các khối thòi ra ngoài khi đại tiện; ngứa vùng hậu môn; đau; xuất hiện những khối cứng nhỏ ở rìa hậu môn... hãy gặp bác sỹ chuyên khoa hậu môn trực tràng để được tư vấn, khám và điều trị bệnh hiệu quả.