Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Trung Quốc nên lo nhiều hơn mừng?
Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể ký kết một thỏa thuận hòa bình và tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân sau cuộc họp thượng đỉnh diễn ra ở Singapore vào ngày 12/6, những lợi ích mà bán đảo Triều Tiên nhận được là rất lớn. Nhưng theo CNN, với Trung Quốc, sự kiện hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lại khiến Bắc Kinh có phần lo nhiều hơn mừng.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể khiến Trung Quốc lo nhiều hơn mừng. |
Việc Mỹ - Triều chấm dứt tình trạng căng thẳng sau loạt tuyên bố của hai nhà lãnh đạo đe dọa tấn công quân sự lẫn nhau, nguy cơ bùng nổ chiến tranh ngay sát biên giới Trung Quốc sẽ bị xóa bỏ. Ngoài ra, việc Mỹ và cộng đồng quốc tế gỡ bỏ hàng loạt lệnh trừng phạt thương mại với Triều Tiên cũng sẽ giúp chính quyền Bình Nhưỡng bước sang một thời kỳ ổn định mới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích châu Á, Trung Quốc cần tính tới quy luật của những hậu quả không thể lường trước.
“So với tình hình hiện tại, sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên trong tương lai sẽ giúp Mỹ có phần tự do thoải mái hơn theo đuổi sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc”, CNN dẫn lời ông Corey Wallace, nhà phân tích an ninh châu Á tại Đại học Freie ở Berlin.
Cuộc đua cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - Trung được hâm nóng ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra ở Singapore vào ngày 12/6 khi Mỹ đồng thời có cả tuyên bố và hành động nhằm phản đối hoạt động quân sự hóa trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông.
“Dù Trung Quốc có lên tiếng phản bác, hoạt động triển khai các hệ thống vũ khí là trực tiếp dùng vũ lực để nhằm mục đích bắt nạt. Đừng để phạm sai lầm. Mỹ vẫn sẽ hiện diện ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây là khu vực ưu tiên của Mỹ”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại sự kiện Đối thoại Shangri-La 2018 ở Singapore hồi tuần trước.
Còn theo ông Wallace, tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên được xóa bỏ sẽ có thể dẫn tới việc hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ được tự do hoạt động ở khu vực này.
Nói cách khác, một khi trách nhiệm bảo vệ an ninh cho Hàn Quốc được giảm bớt, các binh sĩ Mỹ hoạt động trên bán đảo Triều Tiên sẽ được sử dụng làm nguồn lực triển khai sức mạnh tới nhiều khu vực khác tại châu Á – Thái Bình Dương như ở Nhật Bản, Singapore, Australia và Philippines. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ tái thiết trọng tâm đối phó với hoạt động mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
“Quân đội Mỹ sẽ không đơn giản là gói đồ đạc và lên đường về nước”, ông Wallace nói.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần tính tới chuyện đồng minh thân thiết lâu năm Triều Tiên sẽ chuyển sang thân thiết với người bạn mới là Mỹ nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra thành công.
“Việc xây dựng mối quan hệ mới với Mỹ có thể ảnh hưởng tới lợi ích của Trung Quốc nếu Bình Nhưỡng quyết định ưu tiên duy trì quan hệ tốt đẹp với Washington hơn là với Bắc Kinh”, ông Timothy Heath, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Viện RAND Corp nhận định.
“Giống như các quốc gia khác ở châu Á, Triều Tiên có xu hướng tiến tới hâm nóng quan hệ với Mỹ để tạo thế cân bằng trước sức mạnh của Trung Quốc”, ông Heath nói thêm.
Cụ thể, Triều Tiên có thể ký kết các thỏa thuận thương mại với Mỹ và một số nước phương Tây thay vì chỉ dựa vào đối tác kinh tế lớn nhất hiện nay là Trung Quốc.
Tàu chiến Mỹ - Nhật cùng hoạt động. |
Nhà phân tích tại Viện Lowy ở Australia, ông Sam Roggeveen thì cho rằng, việc Triều Tiên tuyên bố có thể cho phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa trang bị đầu đạn hạt nhân tấn công thành phố New York hoặc Chicago của Mỹ lại giúp Trung Quốc giành được phần ưu thế. Bởi tuyên bố của Bình Nhưỡng khiến các đồng minh của Mỹ đặt ra câu hỏi liệu Washington có sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp đồng minh bị tấn công.
“Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đặt ra câu hỏi: ‘Liệu Mỹ có dám hy sinh một thành phố lớn để bảo vệ chúng ta? Câu trả lời là “Không’”, ông Roggeveen chia sẻ.
Nhưng một khi mối đe dọa từ Triều Tiên biến mất, các đồng minh của Mỹ ở châu Á sẽ cảm thấy an toàn hơn dù vẫn phải đối mặt với một mối đe dọa khác là từ Trung Quốc.
Cũng theo các nhà phân tích, dù Triều Tiên hiện vẫn là mối đe dọa đối với các nước Bắc Á, tầm ảnh hưởng lớn mạnh của Trung Quốc ở khu vực mới là nguyên nhân chính khiến ngày càng nhiều nước chấp nhận đi theo quỹ đạo của Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Wallace, ngay cả khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đạt được kết quả thành công, "cơn ác mộng" cho Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ trong khu vực vẫn chưa chấm dứt. Nói cách khác, trong chương trình giải trừ hạt nhân, Triều Tiên sẽ chỉ từ bỏ các tên lửa tầm xa có khả năng tấn công tới lãnh thổ Mỹ, trong khi hàng loạt tên lửa tầm ngắn của Bình Nhưỡng vẫn có thể đe dọa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Điều này sẽ dẫn tới việc các đồng minh của Mỹ tìm cách phát triển kho vũ khí hạt nhân cho riêng mình đồng thời kéo theo một cuộc đua vũ trang ở Bắc Á. Việc ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực theo đuổi trang bị vũ khí hạt nhân cũng sẽ đẩy tình trạng bất ổn gia tăng.
“Đây chính là những hậu quả không thể ngờ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều”, ông Wallace kết luận.
Còn theo ông Roggeveen, để chuẩn bị cho những hậu quả không ngờ trên, Trung Quốc đang tiếp tục cho triển khai nhiều hoạt động trong suốt những năm qua như: mở rộng chủ quyền đơn phương ở Biển Đông; tăng cường sức ép ngoại giao và tiến hành tập trận quân sự gần Đài Loan; triển khai tàu và máy bay tới gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông; xây dựng và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang; cũng như đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Chuyên gia Roggeveen cũng nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn xem chương trình hạt nhân của Triều Tiên là “công cụ hữu hiệu để phục vụ các mục đích lớn như giảm bớt vị thế chiến lược của Mỹ ở châu Á”.