Hội nghị G20: Mỹ, châu Âu “mắng” Nga vì Ukraine
Phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Brisbane, Australia, ông Obama cho thấy ông sẽ đặt an ninh và biến đổi khí hậu lên làm vấn đề trọng tâm trong các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo, làm lu mờ các cuộc đàm phán về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2012. |
Ông Obama nói rằng Mỹ đang đi đầu trong cuộc chiến "chống lại sự hung hăng của Nga ở Ukraine, một mối đe dọa đối với thế giới, như chúng ta đã thấy trong thảm kịch MH17 bị bắn hạ”.
Cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết Moscow phải ngừng cung cấp vũ khí và quân đội sang Ukraine, yêu cầu quân nổi dậy phải chấp hành thỏa thuận ngừng bắn nếu không sẽ tiếp tục bị áp đặt các lệnh trừng phạt.
Ông cho biết, các Ngoại trưởng châu Âu sẽ gặp nhau vào ngày 17/11 để đánh giá tình hình ở Ukraine và xem xét việc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là sẽ chịu nhiều áp lực tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. |
Trong khi đó, Nga tiếp tục phủ nhận có liên quan đến tình trạng leo thang các hoạt động quân sự gần đây tại Ukraine và lên tiếng ủng hộ lệnh ngừng bắn hôm 5/9.
Phát biểu tại G20, Trợ lý chính sách đối ngoại của điện Kremlin, ông Yuri Ushakov, nói: “Chúng tôi không liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine".
Trước đó, G20 được cho là tập trung vào vấn đề phát triển kinh tế toàn cầu chứ không phải về an ninh và môi trường. Tuy nhiên, những lời phát biểu trên của ông Obama và ông Van Rompuy cho thấy an ninh đã trở thành chủ đề chủ đạo trong cuộc họp năm nay.
Obama cũng khẳng định Mỹ quyết tâm theo đuổi “trục châu Á” chiến lược. Obama nhấn mạnh, an ninh trật tự của châu Á không nên bị ảnh hưởng bởi các hành động "ép buộc và đe dọa” hay là nơi các quốc gia lớn bắt nạt các quốc gia nhỏ mà là các mối quan hệ liên minh để đảm bảo an ninh cho nhau.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.