Hối hả về quê thắp hương, chúc Tết rồi đi luôn trong ngày, đeo khẩu trang tiếp khách
Không chọn về quê ăn Tết như mọi năm, để tránh dịch bệnh, năm nay nhiều gia đình đã về quê tảo mộ, chúc Tết ông bà sớm trong ngày cận Tết rồi quay lại Hà Nội ngay chứ không ở lại.
Thay vì ở lại ăn Tết ở quê lâu, nhiều gia đình ở Hà Nội chọn giải pháp về thắp hương tảo mộ và chúc Tết ông bà khẩn trương rồi quay lại Thủ đô ngay trong ngày. |
Gia đình anh Vinh, chị Mai (quận Tây Hồ, Hà Nội) tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần đã về quê tảo mộ và chúc Tết họ hàng sớm từ 26 âm lịch.
Thường thường, trước Tết hai vợ chồng anh chị về quê, mang sẵn một số đồ cần thiết, biếu ông bà một số tiền để sắm Tết. Sau đó, ngày mùng 2 Tết anh chị cùng các con về ăn Tết với ông bà. Cũng có năm cả gia đình chị Mai về từ ngày 30 Tết.
“Bọn trẻ con rất háo hức mỗi khi Tết đến, được về quê gói bánh chưng hay chạy qua chạy lại nhà các chú, bác để mổ lợn, làm gà…”, chị Mai chia sẻ. Còn đối với chị, ngoài chuyện tất bật bếp núc ra, phiên chợ quê luôn có sức hấp dẫn lạ kỳ dù đã bao năm chị về quê ăn Tết. Ở đó có rất nhiều thứ “cây nhà, lá vườn” được người dân mang ra bán. “Tươi, ngon mà giá rẻ hơn nhiều ở thành phố”, chị Mai cười nói.
Nhưng năm nay, mọi “trật tự” bị thay đổi. Tết này anh chị không dám cho các con về quê ở lâu, cũng không đưa các con về đúng dịp Tết.
“Họ hàng nhà chồng tôi đông anh em. Chỉ tính anh em ruột của hai ông bà, mỗi nhà đã tới 6 anh chị. Nguyên ngày mùng 1 nhà lúc nào cũng có khách. Cứ lần lượt hết đoàn con cháu nhà bác cả, đến nhà bác hai, rồi đến các chú, thím hai bên nội ngoại của bố mẹ chồng đến nhà chúc Tết cũng khiến tôi mỏi tay rót nước, mời bánh kẹo”, chị Mai kể.
Cả năm mới có dịp đông đủ các con cháu nên mọi người thường lưu lại nhà nhau khá lâu. Đám trẻ con thì xà vào đĩa bánh kẹo, phụ nữ thì quây quần bên những đĩa hạt dưa hạt bí, vừa cắn chắt vừa chuyện trò trong khi cánh đàn ông sẽ cùng nhau uống dăm ba chén….
“Nếu cứ giữ cách chúc Tết như mọi năm, mọi người thường giao lưu, tiếp xúc rất gần gũi nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cũng rất lớn. Để phòng xa, năm nay tôi quyết định cho các con về sớm tảo mộ, thắp hương tổ tiên và chúc Tết ông bà. Mọi thủ tục được rút gọn chỉ trong 1 ngày”, chị Mai nói.
Giống như chị Mai, anh Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chọn phương án để vợ con ở lại Hà Nội. Là con trưởng nên năm nào hai vợ chồng và 3 con cũng về ăn Tết với ông bà ngay khi cơ quan, trường học cho nghỉ.
“Năm nay chỉ mình tôi về. Vợ chuẩn bị sẵn đồ cúng ở nhà 3 ngày Tết. Về tôi chỉ việc nấu rồi bày lên bàn thờ”, anh Trung cho hay.
Theo anh Trung, một mình anh về đỡ rủi ro hơn cho gia đình. Để tránh nguy cơ lây lan dịch, vợ anh còn chuẩn bị sẵn mấy hộp khẩu trang và nước rửa tay. Anh chị dự kiến sẽ để sẵn hai món đồ này ở ngoài cổng. Thậm chí anh còn định viết thêm bảng treo trước cổng: “Vì cái Tết an toàn cho đại gia đình đặc biệt người cao tuổi, nhờ các cô bác sát khuẩn và đeo khẩu trang”.
“Người lớn ý thức phòng dịch tốt hơn bọn trẻ. Mình sẽ tuân thủ đeo khẩu trang khi tiếp khách. Có thể người dân vẫn còn chủ quan bởi quan niệm Tết là phải đến nhà nhau chúc tụng. Thôi thì mình cứ tự phòng cho chắc. Cũng có thể có người sẽ tự ái, không vào… Nhưng ai có trách thì cũng phải chịu. Phải làm như vậy vì sự an toàn cho gia đình mình và cho chính người đi chúc Tết”, anh Trung nói.
Dù chuẩn bị hết các phương án tránh lây nhiễm nhưng anh vẫn lo ngại, không muốn vô tình làm “nguồn lây” cho vợ con. Thế nên anh dự định ngay sau khi từ quê lên, anh đến cơ quan trực “tự cách ly” mà không qua nhà.
“Đợi mấy ngày nếu sức khoẻ không có vấn đề gì thì tôi sẽ về ăn Tết với vợ và các con sau”, anh Trung nói.
CDC Hà Nội cũng thông tin, Thành phố ghi nhận thêm 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại quận Nam Từ Liêm và quận Ba Đình. Trong số này, ca bệnh ở Nam Từ Liêm có nguy cơ lây nhiễm ở cộng đồng rất lớn vì bệnh nhân tiếp xúc với F0 từ ngày 26/1 đến nay là 12 ngày.
Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, nếu tính chu kỳ dịch hiện nay thì bệnh nhân ở quận Nam Từ Liêm có khả năng lây nhiễm trong vòng 10 ngày qua, F1 dự kiến là rất nhiều.Để chủ động phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đưa ra thông điệp 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế” với các nội dung chính sau đây:
KHẨU TRANG: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
KHỬ KHUẨN: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
KHOẢNG CÁCH: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
KHÔNG TỤ TẬP đông người.
KHAI BÁO Y TẾ: thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vnđể được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.
N. Huyền