Hội chứng ống cổ tay: Coi chừng teo cơ vì làm việc nhiều
BS Phan Huy Đổng khám hai bàn tay của bệnh nhân H.T.M. (47 tuổi) vì mắc hội chứng ống cổ tay - Ảnh: XUÂN MAI |
Khoảng cách giữa những đợt tê rần càng ngắn, khiến việc cầm đồ vật cũng khó khăn, thậm chí teo cơ mô cái.
Các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình cho biết những biểu hiện trên là dấu hiệu của hội chứng ống cổ tay. Nếu không được can thiệp sớm, bệnh càng nặng, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lao động và chất lượng cuộc sống.
Bệnh nghề nghiệp và độ tuổi
Chị H.T.M. (47 tuổi, ngụ TP.HCM) là quản lý chuỗi cửa hàng bao bì đã nhiều năm qua. Tính chất công việc buộc chị M. phải kiểm tra hàng hóa thường xuyên. Khoảng 1 tháng trước, cơn tê rần từ lòng bàn tay đến các ngón tay bắt đầu khởi phát và có dấu hiệu càng nặng khiến chị M. liên tục làm rơi rớt đồ vật khi cầm nắm.
Là người trực tiếp chữa trị cho chị M., BS CKII Phan Vương Huy Đổng - phó chủ tịch Hội Y học thể thao TP.HCM - cho biết qua phân tích kết quả đo điện cơ cho thấy cả 2 bàn tay chị M. đều mắc hội chứng ống cổ tay. Trong đó, tay trái ở mức độ rất nặng: teo cơ, sức nắm rất yếu; tay phải ở mức trung bình nặng: tê nhẹ, ngắt quãng, sức nắm còn mạnh.
Ngay sau đó, 2 bàn tay chị M. được chỉ định cắt dây chằng ngang cổ tay, giải phóng thần kinh giữa bị chèn ép. Sau 7 ngày phẫu thuật, tay trái phục hồi 60-70%, tay phải trở lại gần như bình thường.
Trong trường hợp khác, chị V.T.Th. (42 tuổi) phải nhập liệu hàng trăm bảng hỏi từ các dự án nghiên cứu khoa học mỗi ngày. Ngoài ra, chị Th. còn nhắn vài nhóm chat để trao đổi công việc. Vài tháng gần đây, 2 bàn tay chị Th. có biểu hiện tê nhiều. "Có lúc tôi đang nhập dữ liệu, các ngón tay tê quá, tôi phải dừng lại lắc vài cái rồi mới làm tiếp được" - chị Th. nói.
Làm rơi rớt đồ vật
Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh - trưởng khoa vi phẫu tạo hình và phẫu thuật bàn tay Bệnh viện Sài Gòn ITO - đánh giá hội chứng ống cổ tay rất phổ biến trong cộng đồng, xuất hiện ở mọi giới và mọi lứa tuổi. Tỉ lệ nữ mắc nhiều gấp 3 lần nam giới, với độ tuổi thường gặp từ 46-60 và 10% trường hợp mắc phải dưới 30 tuổi.
Bác sĩ Huy Đổng cho hay hội chứng ống cổ tay là một triệu chứng gồm nhiều dấu hiệu, trong đó biểu hiện rõ nhất là tê nhẹ các đầu ngón tay, cổ tay. Sau đó, cơn đau tê rần xuất hiện thường xuyên hơn và có thể kéo dài liên tục, nhất là sau vận động quá sức hoặc cầm nắm quá lâu, quá lạnh.
Theo các bác sĩ, hội chứng ống cổ tay xảy ra khi mô xung quanh gập sưng lên, làm tăng áp lực, khiến dây thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay. Bệnh thường thấy ở những người trong độ tuổi trung niên và những người trong độ tuổi lao động có tính chất công việc phải cầm nắm, gắng sức và kéo dài liên tục như thợ khoan, tài xế lái xe đường xa, nhân viên văn phòng, nội trợ, nhân viên phục vụ...
Ngoài ra, những yếu tố thuận lợi như thời tiết lạnh, bị thấp khớp, ngủ sai tư thế... cũng gây ra hội chứng ống cổ tay.
Theo đó, bác sĩ Xuân Anh cảnh báo, trường hợp ở mức độ trung bình, bệnh nhân tê tay khi cầm nắm, nhưng khi thả lỏng duỗi bàn tay thì hết tê. Nhưng nếu dây thần kinh giữa bị chèn ép lâu dài mà không được xử lý, bệnh nhân sẽ tê bàn tay liên tục kể cả không cầm nắm và sẽ có tình trạng cầm nắm đồ vật yếu, đánh rơi đồ vật, thậm chí nhìn thấy bắp thịt ở gò cái bị teo (liệt cơ vùng mô cái).
"Khi chuyển sang giai đoạn nặng, cho dù can thiệp phẫu thuật, bàn tay cũng khó phục hồi như trước đây. Vì vậy, người dân nên khám, kiểm tra ngay khi có dấu hiệu đầu tiên là tê các đầu ngón tay liên quan đến làm việc" - bác sĩ Huy Đổng khuyên.
Để có kết luận chính xác bạn có mắc hội chứng ống cổ tay hay không, bác sĩ Xuân Anh cho biết bệnh nhân sẽ được đo điện cơ (chẩn đoán điện) nhằm xác định vị trí thần kinh bị chèn ép, đồng thời xác định được thần kinh bị tổn thương ở mức độ nào (nhẹ, trung bình hay nặng cần phẫu thuật).
Làm sao để phát hiện sớm? Một sai lầm phổ biến là nhiều người không phân biệt được hội chứng ống cổ tay với phong thấp hay tê thấp vì các triệu chứng biểu hiện hao hao. Thậm chí, có người chủ quan cho rằng đây là bệnh của tuổi tác, trước sau gì cũng mắc phải nên lơ là các dấu hiệu nêu trên. Vậy làm sao để phát hiện hội chứng ống cổ tay sớm và phân biệt với các bệnh khác? Bác sĩ Huy Đổng cho biết khi bạn có dấu hiệu tê, buốt, rần như kim châm ở các đầu ngón tay (đặc biệt là ngón trỏ và ngón giữa) sau vận động gắng sức, liên tục, kéo dài và những dấu hiệu này biến mất sau khi lắc tay hay nghỉ ngơi 10-15 phút, tuy nhiên chúng lại tái diễn khi làm việc trở lại thì bạn nên nghĩ ngay đến hội chứng ống cổ tay. |
6 cách phòng tránh hội chứng ống cổ tay tại nhà Theo các bác sĩ, người dân có thể tự phòng hội chứng ống cổ tay tại nhà và ngay trong lúc làm việc, bằng cách: 1. Giữ vệ sinh lao động đối với bàn tay: tránh tư thế cầm nắm thường xuyên, tránh động tác lặp đi lặp lại gập duỗi cổ tay, mang găng tay bảo hộ khi làm việc nặng, dùng miếng lót cổ tay silicon khi dùng bàn phím đánh máy... 2. Tập thể dục thư giãn cổ tay: chống bàn tay lên mặt phẳng bàn, tập gập căng cổ tay, giữ vài giây. 3. Điều trị các bệnh lý có thể gây hẹp ống cổ tay: gãy xương vùng cổ tay, viêm khớp, viêm bao hoạt dịch, viêm gân... 4. Ngâm tay vào nước muối ấm, sau đó massage vùng cổ tay và các ngón tay. 5. Thường xuyên tập lăn bi sắt hay bóp - thả lỏng bóng cao su. |