Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tạo chuyển biến mới, đưa NQ của Đảng vào cuộc sống
Với quyết tâm đưa Nghị quyết XII của Đảng vào cuộc sống và và biến chủ trương của Đảng thành hiện thực đồng thời, thực hiện Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, Học viện Y dược học cổ truyền (YDHCT) Việt Nam đã và đang hướng tới một tầm nhìn mới xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn và nhu cầu của xã hội, phấn đấu trở thành trường có đẳng cấp quốc tế với các chương trình đào tạo đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực YDHCT.
Những năm gần đây, ngoài những chuyên ngành truyền thống, Ban Giám đốc Học viện chủ trương thường xuyên điều tra dự báo nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ YDHCT của xã hội đối với từng chuyên ngành, trên cơ sở đó điều chỉnh quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ và hình thức, loại hình đào tạo. Từ quy mô đào tạo từ 700 sinh viên, học sinh năm 2005 đã tăng lên gần 4.000 học sinh, sinh viên. Học viện đã mở nhiều mã ngành mới: Cao đẳng điều dưỡng YHCT, Bác sỹ nội trú, BSCKI, BSCKII, thạc sỹ YHCT (từ năm học 2006-2007), tiến sỹ (từ năm 2014); mở mã ngành đào tạo Dược sĩ đại học.
Thực hiện phương châm đào tạo học đi đôi với hành, giảng dạy đi cùng với nghiên cứu và mở rộng liên kết đào tạo, nghiên cứu quốc tế nhằm tăng cường khả năng lĩnh hội kiến thức của học viên, sinh viên; Đồng thời, giúp cho đội ngũ cán bộ giảng dạy nâng cao năng lực quản lý và giảng dạy đã góp phần tạo nên bước phát triển mới của Học viện theo đúng chủ trương của Đảng. Quá trình đào tạo, không chỉ có quy mô, chất lượng học tập của học viên, sinh viên được nâng lên mà chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng được nâng cao. Trong số 541 cán bộ cơ hữu, đã có 1 giáo sư, 11 phó giáo sư, 33 tiến sĩ, 125 thạc sĩ và 248 đại học; Trong số 54 giảng viên kiêm nhiệm, đều có trình độ GS, PGS, TS, Ths, CKII. Hội đồng chức danh Giáo sư cấp cơ sở Học viện được thành lập ngày 22/6/2009, đến nay đã xét công nhận 11 phó giáo sư, là bước tiến mới thể hiện sự tiến bộ cũng như sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với Học viện.
Công tác xã hội hóa đào tạo ngày càng được quan tâm, từ khâu tuyển sinh đến quản lý người học và quá trình học tập.
Học viện thường xuyên phối hợp với gia đình người học và các tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục cùng góp sức xây dựng môi trường học tập thân thiện, lành mạnh, giúp học viên, sinh viên tu dưỡng, rèn luyện thành những cán bộ giỏi về chuyên môn, giàu về y đức. Trong quá trình đào tạo, phát hiện những nhân tố tiên tiến, phối hợp cùng gia đình, tập trung bồi dưỡng họ trở thành những nòng cốt trong các khóa học của Học viện. Tổ chức cho giảng viên, cán bộ, nhân viên và người học tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với ngành nghề đào tạo, giúp họ am hiểu hơn về thực tiễn, qua đó nắm bắt nhu cầu của xã hội để hoàn thiện hơn về phương pháp tổ chức, đào tạo.
Bên cạnh các nhiệm vụ nêu trên, bám sát vào chủ trương của Đảng và các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện tập trung gắn đào tạo với thực hành, cho học viên tiếp cận lâm sàng càng nhiều càng tốt thông qua các cơ sở khám, chữa bệnh trong thành phố Hà Nội và một số tỉnh, đặc biệt phát huy trực tiếp tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, là bệnh viện thực hành chuẩn, được trang bị nhiều thiết bị hiện đại với đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa sâu cả YDHCT và y học hiện đại. Các hoạt động của bệnh viện giúp học viên hình thành nhân cách khoa học, nhân cách của một lương y, không vụ lợi, không lạm dụng thuốc, lạm dụng các xét nghiệm, các phương pháp thăm dò chức năng…; Viện Nghiên cứu Y Dược cổ truyền Tuệ Tĩnh với 6 labo, 4 phòng nghiên cứu hiện đại, một trung tâm nghiên cứu và nuôi trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GAP, GACP đã tập hợp và thu hút nhiều chuyên gia giỏi, nhiều nhà khoa học và các lương y có trình độ, uy tín tham gia; Thư viện trường với 6.500 đầu sách với hàng chục vạn bản được quản lý bằng công nghệ thông tin, trong đó cónhiều đầu sách quý hiếm về YHCT được sưu tầm, biên dịch và viết mới. Có nhiều cuốn sách công bố nhiều bài thuốc hay, kinh nghiệm chữa bệnh quý bằng YHCT trong dân gian; Trung tâm tin học, Tạp chí và các ấn phẩm khoa học chuyên ngành YDHCT, các Trung tâm dịch vụ, khoa học kỹ thuật… vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ đào tạo vừa tham gia phục vụ tốt khám, chữa bệnh và tư vấn sức khỏe cho nhân dân; đồng thời tuyên truyền, cổ vũ, tạo vị thế mạnh mẽ về tác dụng, vai trò của YDHCT trong nước và trên thế giới.
Tin vui đã đến với thầy trò của Học viện, Chính phủ đã cho phép Học viện xây dựng dự án mở rộng quy mô Học viện tại khu đô thị Đại học phố Hiến (Hưng Yên) với diện tích 69,72 ha (so với 1,2 ha hiện nay tại quận Hà Đông, Hà Nội), dự kiến đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng cao cho khoảng 8 nghìn sinh viên y dược khoa, học viên sau đại học; 10 nghìn sinh viên các ngành khác liên quan đến hoạt động và quản trị y dược cổ truyền gắn với kết hợp y học hiện đại. Cùng với khu hiệu bộ, giảng đường, ký túc xá, thư viện,… là các khu nghiên cứu công nghệ nuôi trồng dược liệu, lưu trữ gen, sản xuất thuốc và đặc biệt là khu Bệnh viện đa khoa được đặt gần hệ thống giao thông cao tốc để tiện phục vụ công tác cấp cứu, chữa bệnh kịp thời cho người dân.