Hoang mang vì 3 anh em cùng mắc ung thư dạ dày
Ảnh minh họa. |
Gia đình có nhiều người cùng bệnh
Gần đây, chị Bùi T. V. Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã chia sẻ câu chuyện của gia đình mình nhiều người cùng bị ung thư dạ dày. Theo chị V. bố chị vừa qua đời 1 tháng vì ung thư dạ dày.
Chị V. cho biết gia đình bên nội nhà chị có 7 người anh em. Hai năm trước, chú thứ ba nhà chị đã mất rất nhanh chưa rõ nguyên nhân. Mấy tháng sau thì cô thứ 5 cũng mất do ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Sang năm 2018, chú thứ 6 phát hiện ung thư dạ dày và đã mổ, đang truyền hóa chất ở bệnh viện.
Bố chị V. đã qua đời vì ung thư dạ dày. Chị V. cho biết khi phát hiện bệnh bố chị đã có một khối u ở thực quản, dạ dày và u ở gan.
Chị V. kể hiện tại chú chị đang điều trị ở bệnh viện và cũng rất hoang mang vì anh, chị trong gia đình đều bị ung thư dạ dày và qua đời. Cô thứ năm của gia đình nhà chị V. qua đời trước chỉ phát hiện bệnh thấy buồn nôn, ăn uống không tiêu và đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Và bố chị V. cũng như thế. Trước khi phát hiện ung thư hai tháng, bố chị V. đã phẫu thuật xương lưng ở Bệnh viện Việt Đức nhưng cũng không phát hiện ra bệnh gì và khi biết ung thư dạ dày thì bệnh đã ở giai đoạn cuối không thể can thiệp được gì.
Cả gia đình chị V. đều rất hoang mang. Cả nhà đã đi kiểm tra sức khỏe. Chị V. cho biết hiện tại các thành viên trong gia đình ai cũng bị nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori hay H. Pylori) – một loại vi khuẩn có thể gây ung thư dạ dày.
Chị V. cho biết nhiều trẻ nhỏ trong gia đình cũng mắc vi khuẩn này.
Làm gì để phát hiện sớm
Theo PGS Đoàn Hữu Nghị - Bênh viện Medlatec với trường hợp của gia đình trên không phải là hiếm trong các bệnh ung thư như ung thư đại trực tràng, ung thư gan. PGS Nghị cho biết nguy cơ ung thư dạ dày từ gia đình hiện nay thế giới nghiên cứu có 10 % các gia đình có nhiều ung thư dạ dày. Đầu tiên là gia đình 1 vị tướng tài của Pháp Napoleon và chính ông cũng chết vì ung thư dạ dày. Từ 2 thế kỷ trước người ta đã nghi có gen ung thư dạ dày và người ta đi tìm. PGS. Nghị cho biết đến nay đến nay họ có kết luận 10 % tỷ lệ nghiên cứu có gen.
Tuy nhiên, PGS. Nghị cho biết cho tới nay qua rất nhiều nghiên cứu, hầu hết các nhà khoa học trên thế giới đều đồng thuận cho rằng vi khuẩn HP là yếu tố quan trọng nhất trong bệnh lý loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày tá tràng mãn tính và tiến triển thành ung thư.
Tuy nhiên, với trường hợp gia đình trên nếu bị vi khuẩn HP cũng không nên lo lắng bởi HP vốn chỉ là vi khuẩn cộng sinh và ở trẻ nhỏ không gây viêm dạ dày thì không cần điều trị can thiệp gì chỉ đến khi nào trẻ có dấu hiệu viêm dạ dày mới điều trị. Những người lớn, PGS. Nghị khuyến cáo cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe, phát hiện viêm loét dạ dày phải điều trị triệt để để phát hiện ung thư dạ dày sớm nhất.
Theo TS Phạm Văn Bình – Trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K trung ương cho biết ung thư dạ dày là bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến. Theo ghi nhận Globocan năm 2018 ước tính trên thế giới có khoảng 1.033.000người mắc ung thư dạ dày và số người tử vong chiếm gần 800 nghìn ca.Tại Việt Nam. TS Bình cho biết Việt Nam cũng là quốc gia được thống kê bằng dịch tễ học ung thư dạ dày đứng hàng thứ 3, sau ung thư gan và ung thư phổi. Tỷ lệ theo tuổi 11/100 nghìn dân.
Ung thư dạ dày chủ yếu là ung thư biểu mô tuyến chiếm 90 -95 %.
Bệnh gặp nhiều ở châu á, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đông Âu. Việt Nam cũng nằm trong khu vực tỷ lễ dịch tế học cao.
Tuổi ung thư dạ dày thường gặp bệnh nhân cao tuổi từ 40 trở lên nhưng thời gian gần đây có nghiên cứu cho thấy ung thư dạ dày đang trẻ hóa. Về mặt vị trí ung thư dạ dày thì vị trí hang môn vị chiếm 60 -70 % còn lại các vị trí khác. Theo nghiên cứu gần đây ở Nhật Bản và Châu Âu thì ung thư tâm vị tăng lên so với môn vị.