Hoa Kỳ sẽ làm gì với ngân sách quốc phòng kỷ lục?
Chúng ta đang nói về con số kỷ lục 738 tỉ USD, nhiều hơn 22 tỉ so với năm 2019. Lầu Năm Góc sẽ sử dụng số tiền này như thế nào? Dưới đây là một vài nhận định của RIA Novosti.
Cạnh tranh giành lợi thế.
Từ Quốc hội, dự thảo ngân sách cần được tổng thống ký duyệt. Tổng thống Donald Trump phải đưa ra quyết định khó khăn về một số vấn đề. Đặc biệt là ngân sách quốc phòng đề xuất tăng chi tiêu cho việc đề phòng các “mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc”. Ngoài ra, người Mỹ có ý định đầu tư vào các biện pháp trừng phạt với các đường ống khí đốt “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream-2) và “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (TurkStream).
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Ảnh: RIA. |
“Lầu Năm Góc chưa bao giờ chi trả cho các cuộc chiến tranh thương mại. Các biện pháp trừng phạt là do Bộ Tài chính đưa ra. Và khi Bộ quốc phòng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế thì rõ ràng đây là điều mới mẻ. Liên quan đến các sáng kiến chống lại sự cạnh tranh hay các “mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc”, phải hiểu rằng ngày nay Nga đặt ra một số phương hướng nhất định cho việc phát triển thiết bị quân sự. Hoa Kỳ thực sự không thích điều này vì lợi thế cạnh tranh của họ bị mất đi. Washington biết rằng năm 2019 là một năm thất bại đối với Lầu Năm Góc. Chẳng hạn như việc Ankara, trái lại với mong muốn của Hoa Kỳ, khi đã mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga”, Giáo sư Sergey Sudakov từ Viện Khoa học Quân sự cho biết.
Theo chuyên gia, vào năm 2020, một phần của ngân sách quốc phòng phân bổ để kiềm chế Nga sẽ được sử dụng trong việc hạn chế các công nghệ quân sự của đối thủ. Ngoài ra, giáo sư Sudakov nhắc lại rằng một năm trước, Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc đã vận động cho một dự luật đe dọa các đồng minh Hoa Kỳ và tất cả những khách hàng tiềm năng khi mua thiết bị quân sự dán nhãn mác Made in Russia. Giáo sư cho rằng năm 2020 sẽ là năm của những cuộc tấn công thông tin vào công nghiệp quốc phòng Nga từ người Mỹ và mối quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục xấu đi.
“Đặt cược” vào không gian vũ trụ.
Ngoài ra, ngân sách quốc phòng được đề xuất tăng chi phí của chương trình “Sáng kiến quốc phòng châu Âu” thêm 734 triệu USD. Mục này rõ ràng cung cấp cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự ở các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở phía đông, cũng như các cuộc diễn tập quy mô lớn.
Ấn phẩm Spiegel của Đức vào tháng 10 đã cho biết, việc tái bố trí quân đội Mỹ lớn nhất trong 25 năm qua được lên kế hoạch vào mùa xuân năm 2020 ở châu Âu. Lầu Năm Góc sẽ chuyển 20.000 quân qua Đại Tây Dương để tham gia cuộc tập trận Defender 2020. Tổng cộng 37.000 binh sĩ từ 19 quốc gia liên minh sẽ đến tham dự.
Theo phương tiện truyền thông, cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong một phần tư thế kỷ qua sẽ diễn ra ở Ba Lan và các nước vùng Baltic, trung tâm hậu cần sẽ được đặt ở Đức. Tuy nhiên, không phải tất cả các chính trị gia Đức đều tán thành kế hoạch này. Ví dụ, thành viên Ủy ban quốc phòng quốc hội Đức Alexander Noah nói rằng, Nga chắc chắn sẽ đáp trả cuộc tập trận Defender 2020, và điều này dẫn đến sự căng thẳng leo thang. Nghị sĩ kêu gọi Berlin từ chối tham gia tập trận và không sử dụng lãnh thổ của Đức cho việc này.
Xe tăng "Abrams" trong một cuộc tập trận. Ảnh: RIA. |
Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục phát triển lực lượng vũ trang của mình. Theo ông Sergey Sudakov, lực lượng Hải quân sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Chuyên gia cũng nhắc lại rằng, việc năm nay Hoa Kỳ thành lập quân chủng hàng không vũ trụ. Chính phủ Mỹ tuyên bố thẳng thắn: cần phải phân phối lại ngân sách theo hướng có lợi cho lực lượng mới. Giáo sư Sudakov tin rằng Washington, rất có thể sẽ sớm rút khỏi hiệp ước không phổ biến vũ khí trong vũ trụ, và năm 2020 sẽ chi rất nhiều tiền cho việc tạo ra một nền tảng để đưa vũ khí vào quỹ đạo.
“Hoa Kỳ đặt cược vào ưu thế quân sự của mình, phân bổ số tiền kỷ lục cho phát triển của tất cả các thành phần lực lượng vũ trang, thông qua việc sản xuất và mua sắm vũ khí mới. Trong trường hợp này, điều cực kỳ quan trọng đối với Nga là duy trì sự cân bằng mà không tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng có khả năng chống lại bất kỳ mối đe dọa nào phát sinh từ các chương trình quân sự của Hoa Kỳ”, Thủ biên tạp chí Quốc phòng Igor Korotchenko nói.
Ông nhấn mạnh rằng, ngành công nghiệp quốc phòng Nga sản xuất toàn bộ các loại vũ khí mà quân đội cần đến. Theo nhà phân tích, sự phát triển của hai lĩnh vực rất quan trọng đối với Nga là duy trì, cải thiện lực lượng hạt nhân chiến lược và tạo ra các hệ thống phòng thủ hàng không vũ trụ, thành phần quan trọng nhất là hệ thống radar, trang bị đầy đủ các vũ khí phòng không và phòng thủ chống tên lửa hiện đại.
“F-35 ở lại Mỹ”.
Dự thảo ngân sách Hoa Kỳ cũng bao gồm hỗ trợ quân sự cho Ukraine 300 triệu USD. Khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev, đặc biệt là tên lửa hành trình và chống hạm bố trí trên mặt đất đang được xem xét. Vào ngày 05/12, Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Andy Harris nói rằng, kể từ khi quyết định được đưa ra về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, điều này đồng nghĩa sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ sẽ được cung cấp thường xuyên. Tuy nhiên, sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper cho biết, đã nêu ra điều kiện chính để hợp tác với Kiev là việc sẽ tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này.
Quân đội Mỹ huấn luyện tại Ukraine. Ảnh: RIA. |
Một điều thú vị khác trong dự thảo ngân sách quốc phòng là quyết định của Quốc hội cấm chuyển giao máy bay chiến đấu F-35 thế hệ thứ năm của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cần nhắc lại rằng, việc người Mỹ mùa xuân năm nay đã đe dọa loại bỏ Ankara khỏi chương trình chế tạo máy bay. Tuy nhiên, vẫn chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra.
Rõ ràng, nếu dự thảo ngân sách quốc phòng được thông qua, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không nhận được F-35. Tuy nhiên, trước đây Ankara đã nhiều lần nói họ đang xem xét việc mua máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57 từ Nga.