Hồ sơ Panama: Ít nhất 36 cá nhân, tổ chức ở Mỹ cũng “dính chàm”
Trong số đó có 36 trường hợp ở Mỹ bị cáo buộc gian lận và các tội tài chính khác.
Khi Hiệp hội các nhà báo điều tra công bố một phần Hồ sơ Panama hồi đầu tháng 4 vừa qua có đề cập đến một vài trường hợp ở Mỹ nhưng không cung cấp cụ thể chi tiết. Sau khi toàn bộ dữ liệu của Panama Paper được công bố vào hôm qua, có ít nhất 36 trường hợp cá nhân và tổ chức ở Mỹ liên quan đến vụ rò rỉ bí mật tài chính lớn nhất thế giới này.
Một nhà hoạt động Pháp thể hiện sự phản đối sau khi Hồ sơ Panama bị rò rỉ vào tháng 4/2016. Nguồn: AP |
Leonard Gotshalk, cựu cầu thủ bóng đá của câu lạc bộ Atlanta Falcons sau đó trở thành doanh nhân ở Oregon, từng bị Ủy ban Hối đoái và Chứng khoán Mỹ điều tra năm 2010 khi các công tố viên liên bang ở Philadelphia truy tố ông vì nhận hối lộ để tăng giá của các mặt hàng công nghệ.
Ba ngày sau khi bị truy tố, công ty luật của Panama, Mossack Fonseca đã nhận khoản tiền 3.055 USD chuyển từ Gotshalk để mở một công ty ở quần đảo Virgin thuộc Anh. Đây là một ví dụ cho thấy Mossack Fonseca đã không xem xét lại lai lịch của khách hàng và cho phép những người hay các tập đoàn đã “dính chàm” có thể dễ dàng mở các tài khoản nước ngoài để che giấu tài sản của mình.
USA Today đã liên lạc với ông Gotshalk để biết thêm chi tiết vụ việc nhưng luật sư của ông đã từ chối yêu cầu phỏng vấn. Trường hợp của Gotshalk chỉ là một phần trong số những thông tin hạn chế mà Mossack Fonseca công khai.
Công ty này không công khai tất cả 11,5 triệu tài liệu. Thay vào đó, họ đã tiến hành “công khai một cách cẩn thận” các tài liệu đã che đậy các thông tin cá nhân của những người được nêu tên, bao gồm số tài khoản ngân hàng, thông tin hộ chiếu, địa chỉ email và số điện thoại.
Cho đến nay, tất cả các thông tin từ Panama Papers là do công ty luật và hơn 100 tổ chức truyền thông ở hơn 80 quốc gia làm việc cùng với nhau nắm giữ. Các nhà báo của hiệp hội này đã lần lượt đăng tải những câu chuyện về nội dung của Hồ sơ Panama nhưng không công khai nguồn tài liệu thực sự.
Các tài liệu được công bố vào hôm qua bao gồm mối quan hệ giữa các cá nhân và công ty do Mossack Fonseca mở ra, tuy nhiên vẫn chưa phải là các dữ liệu thực sự. Sau khi công khai, một loạt chính trị gia, các doanh nhân, các quan chức thực thi luật pháp và các phóng viên đã bắt đầu công cuộc tìm kiếm những cái tên mới bị “phơi bày”.
Giới giàu có và quyền lực trên thế giới thường sử dụng các tài khoản nước ngoài để tránh sự suy xét của công chúng. Tạo tài khoản ở nước ngoài là hợp pháp nhưng họ không thể sử dụng chúng để trốn thuế hoặc che giấu các hoạt động tội phạm. Luật pháp ở Panama hay những nơi khác yêu cầu các công ty làm công việc trung gian tạo tài khoản nước ngoài cho khách hàng như Mossack Fonseca phải đảm bảo rằng khách hàng của họ không liên quan đến hoạt động phi pháp.
Trong tuyên bố trên trang web của mình, công ty này cảnh báo việc có tên trong Panama Papers không có nghĩa là ám chỉ người đó phạm pháp hay hành động không thích hợp. Tuyên bố trên cũng nêu rõ các tài khoản nước ngoài có thể được sử dụng một cách hợp pháp và đề nghị mọi người sử dụng dữ liệu mới được công bố để nhận dạng những người có tên trong danh sách.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ USA Today (Nước Mỹ ngày nay), tờ báo được xuất bản vào năm 1982, chủ sở hữu là Tập đoàn Gannett và được phân phối khắp nước Mỹ. Theo một số thông tin không chính thức, tờ báo này có tổng số lượng phát hành lớn nhất của báo Mỹ và lớn thứ hai trong hệ thống báo tiếng Anh. USA Today nổi tiếng về các cuộc thăm dò dư luận trong nước Mỹ.