Hình ảnh vệ tinh tiết lộ căn cứ quân sự "khủng" của Trung Quốc ở Djibouti
Cụ thể, theo phân tích từ hai hình ảnh do Stratfor Worldview và Allsource Analysis cung cấp, căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti, nằm tại địa điểm chiến lược ở khu vực Sừng châu Phi, được bao bọc bởi ba lớp an ninh và có khoảng 23.000 m2 diện tích dưới lòng đất.
Stratfor, công ty tình báo địa chính trị, đưa ra phân tích từ hình ảnh vệ tinh cho biết: “Loại hình xây dựng này phù hợp với cách Trung Quốc tăng cường trang bị cho căn cứ quân sự của mình. Quần thể dưới lòng đất phù hợp cho các hoạt động ngầm, khó quan sát cũng như dùng để bảo vệ các phương tiện và cơ sở vật chất quan trọng cho các nhiệm vụ của Bắc Kinh ở Djibouti”.
Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 4/7 cho thấy 3 lớp bảo vệ của căn cứ quân sự Trung Quốc tại Djibouti. Nguồn: Stratfor |
Hình ảnh về quá trình xây dựng căn cứ này cũng chỉ ra rằng nó sẽ được sử dụng vào những mục đích khác, không chỉ dành riêng cho hải quân. Căn cứ này được trải nhựa đường và nhà để máy bay đủ lớn để chứa nhiều loại trực thăng, cho phép triển khai các hoạt động không quân.
Hồi đầu tháng, Trung Quốc đã di chuyển binh lính tới căn cứn quân sự này. Hoa Kỳ, Pháp và Nhật Bản cũng đặt các căn cứ quân sự thường trú tại Djibouti nhưng Stratfor cho rằng các căn cứ này không được trang bị “hoành tráng” như vậy.
Hiện chưa rõ căn cứ của Trung Quốc lớn đến đâu. Trước đó, năm 2007 căn cứ của Mỹ đã được mở rộng thêm hơn 2.000 km2.
Hình ảnh chụp ngày 2/4/2017 cho thấy toàn bộ khu vực căn cứ quân sự của Trung Quốc gồm cả 23.000 m2 diện tích dưới lòng đất. Nguồn: Stratfor |
“Mặc dù đây chỉ là một trong vài căn cứ quân sự ở Djibouti bởi các nước khác cũng đã có, nhưng Trung Quốc thực hiện theo cách riêng của mình”, Sim Tack, nhà phân tích kỳ cựu của Stratfor cho CNN biết.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay căn cứ này được dựng lên để quân đội nước này có thể giúp duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực bằng cách cung cấp các phương thức chống cướp biển và hỗ trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, hình ảnh hôm 4/7 cho thấy Bắc Kinh vẫn chưa xây dựng các bến tàu neo đậu. Stratfor cho rằng đây là một hành động đáng chú ý nếu như mục đích của căn cứ chỉ như Trung Quốc đã nói trước đây.
“Tôi không nói đó là điều bất thường, nhưng tôi vẫn cho rằng sẽ có một bến tàu được xây dựng”, ông Tack nhận xét.
Theo Stratfor, có thể một bến neo đậu tàu sẽ được xây dựng sau và Trung Quốc có thể sử dụng cảng thương mại của Djibouti cho tới lúc đó.
Vị trí đắc địa của Djibouti. Nguồn: CNN |
Các nhà phân tích cho rằng căn cứ này là một phần trong nỗ lực thiết lập lực lượng hải quân toàn cầu của Trung Quốc, có thể tiến hành nhiều hoạt động trên khắp thế giới, mặc dù truyền thông Trung Quốc luôn phủ nhận ý tưởng rằng Bắc Kinh đang “vươn cánh tay” của mình ra toàn cầu.
Yvonne Chiu, Khoa chính trị ĐH Hong Kong, phân tích: “Một trong những điểm nhấn của một cường quốc chính là năng lực “nước xanh” và Trung Quốc đang ở một vị thế khá kỳ quặc khi tự nhận mình là cường quốc, các nước khác cũng coi Bắc Kinh là cường quốc trong khi thực tế Trung Quốc chưa có đầy đủ năng lực của một cường quốc thực sự”.