Hiệu trưởng Đại học FPT đề nghị bỏ trung học phổ thông
Hiệu trưởng Đại học FPT đề nghị bỏ trung học phổ thông
Tham luận “Hướng tới 1 nền giáo dục thực sự đổi mới” của TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, đã gây ấn tượng mạnh đối với các đại biểu tham dự “Hội thảo Khoa học Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam trong môi trường CNTT” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (VIPUA) tổ chức sáng nay, 11/8/2012.
Việc giảm thời gian học sẽ giảm chi phí xã hội, tăng thời gian cống hiến của cá nhân và đất nước có thêm nguồn lao động trẻ. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Theo TS. Lê Trường Tùng, hệ thống giáo dục Việt Nam cần phải tái kiến trúc nhằm giúp định hướng nghề nghiệp, phân luồng nghề nghiệp sớm, giải quyết tâm lý xã hội đang đổ xô chen chúc vào cửa đại học; liên thông các cấp học trong nước mềm dẻo; giảm thời gian vào đời, hướng tới việc học suốt đời; quản lý nhà nước thuận lợi, không chồng chéo.
TS. Lê Trường Tùng đã mạnh dạn đề xuất kiến trúc mới “1 tiểu – 1 trung – 1 cao – 1 đại”. Nghĩa là 1 cấp tiểu học, thời gian học 5 năm; 1 cấp trung học - 4 năm; 1 cấp cao đẳng - 3 năm (hiện đang có dự kiến gộp cao đẳng nghề và cao đẳng chuyên nghiệp); và 1 cấp đại học.
Với kiến trúc này, sau 9 năm sẽ xong phổ thông, học sinh sẽ có bằng tốt nghiệp văn hóa phổ thông. Trong kiến trúc giáo dục sẽ không còn trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, mà sẽ thay thế bằng 2 năm dự bị đại học dành cho những ai muốn học đại học. Trung học chuyên nghiệp và trung học nghề được gộp chung thành 1,5 năm đầu của cao đẳng.
Như vậy, việc phân luồng được diễn ra từ năm lớp 9 thay vì lớp 12 như hiện nay. Thời gian học đại học chỉ còn 3 năm vì đã có 2 năm học dự bị đại học.
Nếu kiến trúc này được áp dụng, tuổi để có bằng phổ thông sẽ là 15 (trước là 18), tuổi có bằng cao đẳng/cao đẳng nâng cao là 17 – 18 (trước là 21), tuổi có bằng đại học là 20 – 21 (trước là 22 – 23).
“Thanh niên vào đời sớm hơn, phù hợp với tiêu chí sinh học giới trẻ hiện nay, việc giảm thời gian học ngoài cái lợi là giảm chi phí xã hội còn tăng được thời gian cống hiến của cá nhân và đất nước có thêm nguồn lao động trẻ. Bên cạnh đó còn có thể lôi kéo sinh viên học sinh ở nước ngoài vào học tại Việt Nam”, TS. Lê Trường Tùng nhấn mạnh.
Ngọc Mai