Hiệp ước kiểm soát buôn bán vũ khí toàn cầu có hiệu lực
Ông Ban Ki-moon cho biết ông hi vọng hiệp ước này sẽ giúp ngăn chặn vũ khí rơi vào tay của “các thủ lĩnh quân sự, những kẻ vi phạm nhân quyền, quân khủng bố và các tổ chức tội phạm”. Hiệp ước này cũng cấm cung cấp vũ khí nếu hành động này khuyến khích tội ác chiến tranh hay diệt chủng.
Hiệp ước buôn bán vũ khí mới sẽ kiểm soát các hoạt động trao đổi vũ khí qua biên giới của các nước. |
Cho đến nay, 60 quốc gia đã phê chuẩn hiệp ước trên, nhưng tại Mỹ, nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu trên thế giới, hiệp ước vẫn chưa được phê chuẩn. Mặc dù Washington đã ký cam kết vào năm 2013, việc áp dụng vẫn cần phải có sự đồng thuận của Thượng viện, nơi vẫn còn rất nhiều ý kiến phản đối.
Những nước xuất khẩu vũ khí lớn khác, bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa đặt bút ký vào hiệp ước.
Trong một thông báo mới đây, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói rằng hiệp ước này “đánh dấu sự mở đầu của một chương sử mới trong nỗ lực chung nhằm khuyến khích trách nhiệm, giải trình và tính minh bạch đối với việc buôn bán vũ khí trên toàn cầu”.
Ông Ban Ki-moon cũng kêu gọi tất cả các nước hãy nhanh chóng tham gia hiệp ước, “không được chậm trễ”.
Những tổ chức đấu tranh cho chính sách kiểm soát thương mại vũ khí chặt hơn, bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế và Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí đã thúc giục các chính phủ trên thế giới hãy tuân theo những điều luật trong hiệp ước.
Hiệp ước này đã được gần 130 nước ký cam kết và 5 trong số những nước sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, gồm Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha đã chính thức phê chuẩn.
Hiệp ước này có chức năng kiểm soát trao đổi các loại vũ khí được bán qua biên giới của các nước, từ những khẩu súng hạng nhẹ cho đến các loại xe tăng và pháo.
Ước tính ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu thu về mỗi năm khoảng 85 tỷ USD lợi nhuận, và một số nhà phân tích cho rằng con số đó có thể còn cao hơn.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin BBC của Anh. BBC được thành lập năm 1922. BBC có các chương trình thông tin trên TV, trên đài phát thanh và trên Internet.