Hiện tượng thiên văn 'Trăng băng giá' và 'Nguyệt thực nửa tối' sẽ xuất hiện vào 30/11
Vào hôm 30/11 tới đây, hiện tượng Nguyệt thực nửa tối và 'Trăng băng giá' sẽ cùng nhau xuất hiện.
Theo Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội HAS, vào ngày 30/11 sẽ diễn ra lần nguyệt thực cuối cùng trong năm 2020.
Bên cạnh đó, hiện tượng 'Trăng băng giá' cũng sẽ xuất hiện cùng ngày mà hội những người mến mộ thiên văn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng, theo Lonely Planet.
Hiện tượng 'Trăng băng giá'
Theo Lonely Planet, 'Trăng băng giá' (Frosty Moon) là hiện tượng xảy ra sau mỗi 29,5 ngày khi Mặt trăng nằm đối diện với Mặt trời khi nhìn từ Trái đất, mặt hướng về phía Trái đất của Mặt trăng sẽ được Mặt trời chiếu sáng toàn bộ. Pha này xảy ra lúc 16h32.
Hiện tượng 'Trăng băng giá' còn được các bộ lạc người Mỹ bản địa xưa kia gọi là trăng Hải Ly (Beaver Moon), vì đây là thời điểm thích hợp để đặt bẫy hải ly trước khi đầm lầy và sông đóng băng. Hiện tượng này còn được gọi là Trăng của thợ săn (Hunter’s Moon), trăng Sồi (Oak Moon),...
Nguyệt thực nửa tối
Nguyệt thực nửa (Partial Lunar Eclipse) tối cũng diễn ra vào cùng ngày 30/11. Hiện tượng này có thể quan sát được khi Mặt trăng chỉ đi vào vùng bóng nửa tối (Penumbra) của Trái đất.
Khi đó, người xem sẽ thấy bề mặt Mặt trăng chỉ giảm dần độ sáng, chứ không bị che khuất hoàn toàn bởi bóng tối của Trái đất như Nguyệt thực toàn phần.
Nguyệt thực nửa tối lần này sẽ được nhìn thấy trên hầu hết Bắc Mỹ, Thái Bình Dương và Đông Bắc Á, bao gồm cả Nhật Bản. Ở Việt Nam, người yêu thiên văn có thể quan sát được một phần quá trình Nguyệt thực nửa tối này.
Cụ thể, nguyệt thực nửa tối bắt đầu vào 14h32 (giờ Việt Nam). Tuy nhiên thời điểm này không thể quan sát được ở Việt Nam. Đến tầm 16:42, Nguyệt thực nửa tối sẽ đạt cực đại với Mặt trăng ở gần trung tâm vùng bóng tối nhất, nhưng cũng không quan sát được ở Việt Nam.
Trăng mọc vào 17h14 tại Hà Nội. Với các nơi khác ở Việt Nam, giờ mặt trăng mọc có khác biệt đôi chút. Từ 17h30, người yêu thiên văn có thể quan sát được hiện tượng này tại Việt Nam. Nguyệt thực nửa tối kết thúc vào khoảng 18h53, Mặt trăng khi đó sẽ trở lại với độ sáng bình thường.
Theo saostar.vn