"Hiểm họa khôn lường" khi Mỹ coi Vệ binh Cách mạng Iran là khủng bố
Theo Reuters, hôm 25/7, hải quân Mỹ đã bắn cảnh cáo một tàu tuần tra của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khi chiếc tàu này di chuyển về hướng tàu USS Thunderbolt và chỉ cách 137 m.
Trước đây, các tàu của Mỹ và Iran cũng đã nhiều lần đối đầu căng thẳng nhưng hành động này có thể trở nên thường xuyên hơn và nguy hiểm hơn nếu như Washington vẫn gia tăng sức ép đối với Iran nói chung và IRGC nói riêng.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng hồi giáo Iran. |
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump không hề giấu diếm ý định xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân đa phương mà chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã ký kết với Tehran. Thậm chí, ông Trump còn gọi đây là "thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước tới nay".
Hôm 17/7, ông Trump đã thừa nhận Iran đang tuân thủ theo các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân mang tên "Kế hoạch hành động chung toàn diện" (JCPOA).
Tuy nhiên, chỉ sau đúng một ngày, chính quyền của ông Trump đã áp đặt lệnh trừng phạt mới với Tehran liên quan tới chương trình phát triển tên lửa đạn đạo nhằm vào 18 công ty và cá nhân. Các công ty và cá nhân Iran mới bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ cũng bị cáo buộc tham gia "các hoạt động thâm hiểm" của Iran ở Trung Đông. Thậm chí, lệnh trừng phạt này còn nhằm vào các cá nhân và tổ chức ủng hộ IRGC, tổ chức an ninh và quân đội hùng mạnh của Iran.
Được thành lập năm 1979, IRGC là lực lượng hoạt động độc lập với quân đội Iran. IRGC còn là một trong những thể chế kinh tế lớn nhất của Iran khi nắm quyền kiểm soát một số ngành công nghiệp chiến lược cũng như lực lượng vũ trang hiện đại nhất.
Do đó, theo Reuters, những nỗ lực hiện tại của Washington trong việc gia tăng sức ép với IRGC và đề xuất đưa tổ chức này vào danh sách khủng bố có thể sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng ngoại giao giữa hai nước sau kỷ nguyên ký kết thỏa thuận JCPOA.
Cụ thể, một ngày sau khi Tổng thống Trump xác nhận Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, Tổng Tư lệnh các Lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Baqeri cảnh báo việc đưa IRGC vào danh sách các nhóm khủng bố có thể tạo ra "mối đe dọa lớn đối với công dân Mỹ và các căn cứ quân sự cũng như binh sĩ Mỹ" hoạt động trong khu vực.
Thậm chí, Chỉ huy IRGC, Thiếu tướng Mohammad Ali Jafari còn cho rằng nếu Washington muốn đưa IRGC vào danh sách đen khủng bố, "trước hết Mỹ cần di dời các căn cứ quân sự nằm cách Iran 1.000 km".
Mặc dù, chi tiết về vụ đối đầu giữa hải quân Mỹ và tàu của IRGC hôm 25/7 không được công bố, nhưng vụ việc này một lần nữa chứng minh Tehran có nhiều lựa chọn để gây rối cho những lợi ích của Mỹ ở Trung Đông.
Ở Trung Đông, quân đội Mỹ có mặt trong Hạm đội số 5 ở Bahrain cho tới căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar và căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan. Tất cả những căn cứ này đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Iran. Nhưng điều đó không có nghĩa là IRGC sẽ triển khai tên lửa để phản ứng trước các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Bởi học thuyết quân sự của Iran chủ yếu tập trung vào phòng thủ và tấn công trực tiếp bằng tên lửa không phải là "cách làm việc" của IRGC.
Tuy nhiên, vụ đối đầu hôm 25/7 cho thấy IRGC có thể "tỏ thái độ mạnh mẽ hơn" đối với các tàu thuyền Mỹ hoạt động ở vịnh Péc-xích. Cụ thể vào tháng 1/2016, Washington đã vô cùng tức giận sau khi các thành viên của IRGC bắt giữ 10 thủy thủ Mỹ hoạt động trên hai tàu hải quân khi hai chiếc tàu này tiến vào hải phận Iran.
Bên cạnh đó, IRGC có thể không cần trực tiếp đối đầu với các lực lượng Mỹ mà nhờ các lực lượng ủy nhiệm hoạt động khắp Trung Đông được IRGC thiết lập kể từ đầu thập niên 80, để tấn công quân đội Mỹ. Dù không được chính thức công nhận là liên minh nhưng các lực lượng ủy nhiệm này được xem là "nòng cốt" trong chiến lược phòng thủ của Iran.
Điển hình, IRGC có mối quan hệ thân thiết với tổ chức Hezbollah ở Lebanon. Tehran cũng thường dựa vào Hezbollah để đối đầu với Israel, do đó không loại trừ khả năng, Iran sẽ sử dụng các tay súng Hezbollah cho những nhiệm vụ khó khăn hơn như đối đầu với Mỹ.
Vào tháng 7/2012, một vụ đánh bom liều chết nhằm vào chiếc xe buýt hoạt động ở khu nghỉ dưỡng Burgas của Bulgaria, đã cướp đi sinh mạng của 5 người Israel. Giới chức tình báo Mỹ tin rằng, đây là vụ tấn công do các tay súng Hezbollah tiến hành nhằm ám sát các nhà khoa học hạt nhân Iran vốn bị Tehran nghi ngờ là gián điệp của Israel.
Thậm chí, IRGC có thể sử dụng các lực lượng thay thế để tấn công vào những điểm yếu của Mỹ ở Iraq và Afghanistan.
Cụ thể, tổ chức Shia al-Hashd al-Shaabi hay còn gọi là Lực lượng Huy động phổ biến (PMF) của Iraq với khoảng 60.000 tay súng bao gồm các nhóm được Iran hậu thuẫn như tổ chức Badr, nhóm Kata’ib Hezbollah và Asa’ib Ahl al-Haq, vốn bị Washington coi là thủ phạm đứng đằng sau các vụ tấn công bằng rocket và đặt bom bên vệ đường, cướp đi sinh mạng của hàng trăm binh sĩ Mỹ trong thời gian Mỹ tham chiến ở Iraq.
Tóm lại, một khi Washington coi IRGC là khủng bố, Mỹ vừa không thể ngăn chặn sự lớn mạnh của tổ chức này mà còn khiến IRGC có thêm những hành động phản kháng. Nói rộng hơn, việc làm của Mỹ sẽ khiến khu vực Trung Đông càng trở nên bất ổn hơn.