Henry Kissinger: Nga ‘quan tâm Ukraine’ là điều tất yếu
Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (bên phải) trong buổi tọa đàm trên đài truyền hình CNN. |
Theo vị cựu Ngoại trưởng Mỹ, chính yếu tố lịch sử và sự gắn bó giữa hai nước Nga – Ukraine là nhân tố khiến cho Nga không thể xem nhẹ quá trình thay đổi quyền lực ở Ukraine. Đồng thời ông Henry Kissinger cũng cho rằng, các nước phương Tây và Mỹ đã phản ứng không đúng trong trường hợp nay.
"Kiev từng được gọi là nước Nga Kiev (Kievan Rus) nên sự phát triển của nền chính trị và tôn giáo của Nga đã bắt đầu từ Kiev. Sau những khoảng thời gian bị phân chia, từ cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, Ukraina chính thức là một phần lãnh thổ của Nga...Tôi chưa từng thấy có bất kỳ sự kiện nào của nước Nga mà người ta không coi Ukraine là một phần lãnh thổ quan trọng hàng đầu của lịch sử Nga. Vì vậy người Nga không thể không quan tâm tới tương lai của Ukraine " - cựu Ngoại trưởng Mỹ nói trong cuộc phỏng vấn của đài CNN hôm Chủ nhật (2/3) vừa qua.
Theo ý kiến của Kissinger, ông ủng hộ một đất nước Ukraine độc lập và một đất nước Ukraine có quan hệ hữu cơ với châu Âu.
"Tuy nhiên, để hiểu được vị trí của nước Nga đối với Ukraine chúng ta cần phải nhìn lại lịch sử” - ông Henry Kissinger nói.
Nhà ngoại giao kỳ cựu này không đồng ý với ý kiến cho rằng cuộc xung đột ở Kiev là cuộc đấu tranh của các lực lượng dân chủ muốn xây dựng mối quan hệ thân thiết với châu Âu và Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych.
"Không, tôi không nghĩ như vậy. Phần phía Đông ủng hộ chính phủ và mật thiết với Nga. Còn phần phía Tây đa số là dân Công giáo và có xu hướng thân phương Tây. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, các ý kiến này khá đồng đều với nhau. Đối với các bên đang căng thẳng với nhau ở Ukraine, tôi có cảm giác, mỗi bên đều có yếu tố dân chủ và chính trị và tôi không nghĩ rằng tổng thống hiện tại tất yếu phải thân Nga”, ông Kissinger nhận định.
Lý giải về phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cựu Ngoại trưởng Mỹ cho rằng người Nga lo ngại “rồi một ngày người ta cũng sẽ làm thế ở Moscow để lật đổ chế độ”.
Cũng theo ý kiến của vị cựu Ngoại trưởng Mỹ, Tổng thống Vladimir Putin đánh giá sự sụp đổ của Liên Xô là một thảm họa lịch sử rất lớn và không thể không quan tâm đến một thực tế là "Nước cộng hòa lớn nhất giành được độc lập - đó chính là Ukraina với 50 triệu dân" .
Kissinger không tán thành những hành động của Nhà Trắng, khi luôn miệng tuyên bố rằng những vấn đề ở Ukraine là một sự kiện dân chủ và “thứ dân chủ” này có thể giải quyết mọi vấn đề.
"Không phải là tôi không đồng ý với việc đó, nhưng tôi thấy không cần thiết tuyên bố công khai như vậy. Cần phải hiểu rõ hơn dựa trên sự phát triển lâu dài của lịch sử" - ông Kissinger nói.
Nhận định về động cơ trong hành động của EU về vấn đề Ukraine, cựu Ngoại trưởng Mỹ đã chia sẻ với các nhà báo Mỹ rằng: "Hoa Kỳ và Trung Quốc đang làm suy yếu Nga, và chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài sẽ là Iran, trong đó, tất nhiên, là mục tiêu chính của Israel. Chúng tôi vẫn cho phép Trung Quốc tăng cường quân sự, và Nga để phục hồi từ "Soviet". Chiến tranh sắp xảy ra và người duy nhất có thể giành chiến thắng để trở thành siêu cường là chúng tôi. Đó là lý do tại sao EU lại phải vội vàng như vậy để tạo thành một siêu nhà nước. Họ biết những gì sắp tới, và để tồn tại, châu Âu cần phải được thống nhất và gắn kết”.