Hệ thống metro TP. HCM: Rối như tơ vò
Hệ thống metro TP. HCM: Rối như tơ vò
Cả hệ thống rối như tơ vò
Hiện tại, theo thiết kế tuyến, vị trí quy hoạch bãi xe ngầm, cả hệ thống giao thông ngầm có nhiều điểm giao nhau nhưng lại chưa có một quy hoạch tổng thể, khiến việc triển khai xây dựng gặp khó khăn.
Chỗ “rối” nhất trong quy hoạch hệ thống giao thông ngầm của thành phố hiện này là khu vực Bến Thành. Nơi đây là đầu mối giao thông bao gồm nhiều tuyến xe buýt trên mặt đất và là vị trí giao cắt của các tuyến metro số 1, số 2, số 4 trong tương lai. Bên cạnh đó, Bến Thành lại nằm gần khu vực xây dựng bãi xe ngầm công viên 23/9.
Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu Đường Cảng TP.HCM, thành viên chỉ đạo xây dựng hai tuyến metro số 1 và số 2 cho biết: “Do chưa có quy hoạch tổng thể không gian ngầm nên trong quá trình lập dự án, các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn trong phối hợp bố trí các công trình nổi và ngầm, cũng như khó khăn trong công tác thiết kế di dời, bảo vệ các công trình hiện hữu như: đường điện, nước, cáp quang…
Khi chưa có một quy hoạch tổng thể không gian ngầm tại TP.HCM, các công trình giao thông ngầm tiếp tục triển khai ì ạch. |
Tiếp đến là việc kết nối các công trình ngầm hiện hữu với các tuyến metro cũng khó trăm bề. Trong quá trình thi công, khi phát hiện ảnh hưởng đến các công trình ngầm khác, nhà thầu phải ngưng thi công chờ giải quyết theo nhiều cách. Có thể phải thay đổi thiết kế, di dời các công trình hiện hữu, chờ kế hoạch vốn, chờ phê duyệt các thay đổi, bổ sung. Đôi khi kéo dài đến 5 – 6 tháng”.
Một minh chứng cụ thể nhất cho sự rối rắm, chồng chéo lên nhau giữa các công trình, khiến nhà đầu tư thậm chí phải hủy dự án vì không có lối ra là dự án bãi đậu xe ngầm Lam Sơn (quận 1). Do vị trí bãi xe ngầm này theo quy hoạch trùng với chỗ giao nhau giữa các tuyến metro, trạm chuyển ga, đặt tháp thông gió, có nhiều nhà cao tầng xung quanh… nên chủ đầu tư đã buộc phải dừng dự án.
Một khi chưa lập quy hoạch tổng thể không gian ngầm của thành phố thì sẽ không có được một quy trình, quy định thống nhất nào cho mỗi dự án ngầm từ lúc lập dự án đến khi thi công.
Theo ông Trường, chính vì thế mà khi chuẩn bị thực hiện các công trình giao thông ngầm, các cơ quan chức năng luôn lúng túng trong việc cấp giấy phép cũng như kiểm tra công tác hoàn thành, bàn giao công trình, từ đó làm chậm tiến độ các dự án giao thông ngầm.
Phải chờ luật
Việc lập quy hoạch tổng thể cho hệ thống không gian ngầm tại TP.HCM trước khi bắt đầu xây dựng các công trình giao thông ngầm là rất cần thiết. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, chưa thể lập quy hoạch này do thiếu khung pháp lý quy định.
“Trong các luật ban hành gần đây, phát triển giao thông ngầm đô thị nói riêng và không gian ngầm đô thị nói chung, có được đề cập nhưng chưa đủ, chưa thống nhất và thiếu chi tiết. Khung pháp lý quan trọng nhất là luật đất đai lại chưa đề cập đến mặt quản lý, khai thác không gian ngầm đô thị”, ông Đông nói.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, để các công trình giao thông ngầm triển khai được hiệu quả thì trong thời gian tới phải sửa đổi Luật đất đai.
“Cần quy định rõ, tài nguyên trong lòng đất bao gồm cả không gian ngầm. Như hiện nay, nhiều nhà cao tầng tại các đô thị lớn làm tầng hầm và đóng móng cọc sâu đến 50-60m. Điều đó có nghĩa là người được quyền sử dụng đất trên mặt thì nghiễm nhiên cũng có quyền sử dụng không hạn chế phần ngầm dưới mặt đất. Cứ kéo dài như thế nên việc triển khai xây dựng các công trình ngầm luôn gặp khó khăn ngay từ khâu quy hoạch là chuyện đương nhiên”.
Mặt khác, các công trình ngầm hiện nay đang được quản lý và quy hoạch không đồng bộ. Mỗi cơ quan chủ quản chuyên môn quản lý riêng lẻ công trình ngầm của ngành mình.
Chẳng hạn như, hệ thống cấp nước thuộc Tổng công ty cấp nước và các chi nhánh, hệ thống thoát nước thuộc Sở GTVT TP.HCM và công ty thoát nước, các chủ đầu tư dự án, hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc thuộc tổng công ty điện lực và các chi nhánh, hệ thống tầng hầm các công trình nhà ở thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Xây dựng TP.HCM, trong khi kết cấu móng các công trình cao tầng do các chủ đầu tư quản lý…
Chính vì thế rất khó xây dựng một quy hoạch tổng thể về không gian ngầm trên toàn địa bàn TP.HCM. Đó là chưa kể, do khung pháp lý về đất đai, về tài chính chưa đầy đủ sẽ rất khó thu hút đầu tư, khó khăn về giao đất, khó khăn trong thu phí hoàn vốn… Kết quả là hiện nay, hệ thống giao thông ngầm vẫn đang dò dẫm tìm hướng đi.
NGUYỄN MINH