Hé lộ Mỹ triển khai sứ mệnh bí mật, hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân ở Đức
Theo tờ Der Spiegel, vào cuối tháng 8/2019, không quân Mỹ đã dùng máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster đưa khoảng 20 quả bom hạt nhân B-61 từ căn cứ không quân Büchel tại Rhineland-Palatinate về Mỹ để thực hiện cài đặt phần mềm mới trong hai ngày.
Căn cứ không quân Büchel tại Đức. (Ảnh minh họa) |
Chiếc máy bay C-17 của Mỹ nằm trong biên chế của lực lượng Cánh không vận 62 ở Tacoma, Washington. Đây là phi đội duy nhất của Mỹ được phép vận chuyển các loại vũ khí hạt nhân và linh kiện đi kèm. Chính phủ Mỹ cũng chỉ báo trước trong thời gian ngắn cho phía Đức về kế hoạch nâng cấp bom hạt nhân.
Các quả bom hạt nhân đặt tại căn cứ Büchel được xem là một phần trong “Thỏa thuận chia sẻ hạt nhân”. Nhưng sự tồn tại của chương trình này lại không được Mỹ và Đức lên tiếng chính thức xác nhận. Ngay cả vị trí chính xác đặt các quả bom cũng là bí mật quốc gia.
Theo DW, “Thỏa thuận chia sẻ hạt nhân” cho phép các quốc gia thành viên NATO không sở hữu vũ khí hạt nhân có thể tham gia vào việc lên kế hoạch và huấn luyện sử dụng loại vũ khí này.
Trước đó, vào năm 2017, phó phát ngôn viên của chính phủ Đức Ulrike Demmer đã có tuyên bố ám chỉ các loại vũ khí hạt nhân vẫn cần hiện hữu trên lãnh thổ quốc gia này.
“Chúng tôi hiểu rằng, một số quốc gia xem vũ khí hạt nhân là phương tiện của xung đột quân sự. Nhưng Đức vẫn đối mặt với mối đe dọa, do đó vẫn cần năng lực phòng thủ hạt nhân và năng lực này được NATO cung cấp. Chúng tôi tin rằng, các cuộc đối thoại và thảo luận với những nước sở hữu vũ khí hạt nhân là con đường đúng đắn duy nhất”, bà Demmer nói.
Tuy nhiên, không phải chính trị gia nào tại Đức cũng ủng hộ ý tưởng để các loại vũ khí hạt nhân của Mỹđược triển khai trên lãnh thổ quốc gia. Cụ thể, trong chiến dịch tranh cử, ông Martin Schulz, người đứng đầu đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) và từng là ứng viên cho vị trí Thủ tướng Đức đã bảo vệ quan điểm cần đưa các quả bom hạt nhân của Mỹ rời khỏi lãnh thổ Đức.
Ngay cả thành viên Quốc hội Đức (Bundestag) là ông Dietmar Bartsch cũng đã lên tiếng ủng hộ việc rút các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi Đức vào năm 2019, thời điểm đại sứ Mỹ Richard Grenell đề xuất đưa binh sĩ Mỹ ở Đức về nước.
“Đại sứ Mỹ đã đúng, những người đóng thuế tại Mỹ không cần phải trả chi phí cho hoạt động của quân đội Mỹ tại Đức. Những người nộp thuế tại Mỹ không phải trả chi phí cho việc triển khai các loại vũ khí hạt nhân tại Đức. Nếu Mỹ rút quân khỏi Đức, họ nên đưa vũ khí hạt nhân đi cùng”, ông Bartsch nói.
Thậm chí, hồi tháng 3/2010, Bundestag từng thông qua nghị quyết để vũ khí hạt nhân Mỹ rời khỏi Đức.