Hé lộ lý do thực sự Thổ Nhĩ Kỳ vẫn “thèm khát” F-35 của Mỹ dù đã "bắt tay" Nga
Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước đóng vai trò lớn trong quá trình sản xuất F-35. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã sản xuất một loạt bộ phận dành cho máy bay này. Thổ Nhĩ Kỳ đã muốn mua khoảng 100 phi cơ F-35 và giữa năm 2019 đã cử phi công và kỹ sư sang Mỹ để huấn luyện.
Tham vọng có tàu sân bay của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó có thể trở thành hiện thực. |
Song chính phủ Mỹ đã cắt đứt liên hệ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với chương trình máy bay chiến đấu này, với lý do rằng hệ thống S-400 của Nga có thể được dùng để thu thập dữ liệu nhạy cảm về F-35. Nếu Nga có được những dữ liệu này, họ có thể cải tạo hệ thống phòng không của mình để đối phó F-35 dễ dàng hơn.
Một trong những lý do quan trọng mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn có F-35 là vì, chính phủ nước này hi vọng có thể mua về phiên bản cất cánh thẳng đứng của F-35 là F-35B để có thể sử dụng nó trên tàu Anadolu, một tàu chiến được chế tạo theo công nghệ của Tây Ban Nha và sẽ được hạ thủy vào đầu năm 2021. Nếu có F-35B, tàu này sẽ trở thành “tàu sân bay” mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể điều động trong tương lai.
F-35B được nhiều lực lượng hải quân ưa chuộng bởi nó có thể hoạt động trên các tàu chiến nhỏ có boong rộng để cất cánh và hạ cánh. Nhật Bản và Hàn Quốc đã cải tạo tàu chiến do mình chế tạo để có thể sử dụng F-35B.
Nếu không có F-35B, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không có loại máy bay nào khác để có thể sử dụng trên tàu Anadolu. Trên thế giới hiện này chỉ có hai loại phi có có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, đó là F-35B và Harriet, một loại phi cơ đã cũ và nay không còn được sản xuất.
Thổ Nhĩ Kỳ đã có những động thái để tìm kiếm những lựa chọn khác cho mình. Vào tháng 6, nước này đã công bố một mô hình của một loại máy bay chiến đấu tàng hình do nước này phát triển có tên là TF-X tại Triển lãm Hàng không Paris. Tuy nhiên, có rất ít khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể có cho mình máy bay tàng hình bởi chi phí phát triển của phi cơ loại này là rất đắt đỏ.
Chỉ có 3 quốc gia trên thế giới có đủ ngân sách để chế tạo máy bay tàng hình, đó là Mỹ, Trung Quốc và Nga. Trong đó, chỉ có Mỹ và Trung Quốc là đã cho ra mắt và sử dụng phi cơ tàng hình thực sự, trong khi Su-57 của Nga vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động. Với nền kinh tế chỉ đứng thứ 17 thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể sản xuất máy bay tàng hình.
Trong khi đó, Nga đã đề nghị bán phi cơ Su-35 của nước này cho Thổ Nhĩ Kỳ. Máy bay này mặc dù rất hiện đại và được sử dụng tại nhiều nước, song nó lại không có khả năng tàng hình trên radar và nó cũng không thể cất cánh từ tàu chiến. Một công ty của Trung Quốc cũng đang phát triển phi cơ tàng hình FC-31 để xuất khẩu, song phi cơ này cũng không thể cất cánh và hạ cánh trên các tàu chiến.
Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ muốn có hệ thống phòng không của Nga và máy bay chiến đấu của Mỹ, nhưng lúc này họ không thể có cả hai.