Hé lộ chi phí cho chuyến đi của quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ vừa từ chức
Theo USA Today, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải chi gần 250.000 USD cho chuyến đi tới đảo Guam của quyền Bộ trưởng Hải quân để gặp gỡ các thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.
Quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly từ chức hôm 7/4. (Ảnh: |
Tuy nhiên, ngay sau chuyến đi, ông Modly đã từ chức hôm 7/4 do phải đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội vì quyết định sa thải và chế giễu chỉ huy của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.
Trước đó, trong một bài phát biểu với các thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, ông Modly đã gọi ông Brett E. Crozier, người mới bị sa thải khỏi chức vụ chỉ huy tàu USS Theodore Roosevelt, là “ngu ngốc và ngây thơ”.
Ông Crozier là người từng viết một lá thư báo động và kêu gọi hải quân Mỹ tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 trên tàu USS Theodore Roosevelt. Tuy nhiên, lá thư này sau đó bị rò rỉ với giới truyền thông và ông Crozier đã bị sa thải.
Theo USA Today, ông Modly đã tới đảo Guam trên máy bay C-37B VIP. Chi phí vận hành một giờ của máy bay có giá gần 7.000 USD. Chuyến đi tới Guam kéo dài khoảng 35 giờ đồng hồ. Do đó, tổng chi phí vào hơn 243.000 USD.
Hiện tại, 286 thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt có kết quả dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp. Hải quân Mỹ cũng nhấn mạnh tính tới ngày 8/4, 93% thủy thủ trên tàu sân bay đã được làm xét nghiệm.
Song cho tới nay, sau gần một tuần kể từ khi thuyền trưởng Crozier bị sa thải, hải quân Mỹ mới sơ tán được 2.329/4.800 thủy thủ có mặt trên tàu sân bay.
Ban đầu, hải quân Mỹ có kế hoạch đưa 2.700 thủy thủ lên bờ vào ngày 3/4. Nhưng theo các quan chức Mỹ, quá trình sơ tán bị chậm lại do chờ kết quả xét nghiệm. Bởi trước đó, chính quyền Guam yêu cầu những thủy thủ có kết quả âm tính mới được phép lên bờ để tới lưu trú trong các khách sạn trên đảo.